DI TÍCH LỊCH SỬ LƯU NIỆM TRUNG ĐOÀN 52 TÂY TIẾN NƠI GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CHO THẾ HỆ TRẺ
Trong lần tái xâm lược nước ta, thực dân Pháp xác định Tây Bắc là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng, chúng đặt mục tiêu chiếm giữ. Vì vậy ngày 23/09/1945, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Tây Bắc và Thượng Lào với ý đồ đánh chiếm toàn bộ Tây Bắc, uy hiếp đồng bằng Bắc Bộ, làm bàn đạp tấn công Thượng Lào và khóa chặt biên giới Việt Trung.
Thấy rõ âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của địch, ngay sau ngày lập nước, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập Trung đoàn 52 - Tây Tiến - một đơn vị lực lượng vũ trang tiến lên Tây Bắc, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào đánh địch ở Sầm Nưa, bảo vệ vững chắc vùng biên giới của Tổ quốc, làm tiêu hao lực lượng địch. Lực lượng của Trung đoàn phần đông là học sinh, sinh viên Hà Nội đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, họ rời tay bút, rời mái trường thân yêu, mang theo sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tự nguyện ghi tên, cầm súng ra chiến trường. Những năm đầu của cuộc kháng chiến, bộ đội ta gặp phải rất nhiều khó khăn và thử thách: xa hậu phương, địa hình chiến đấu hiểm trở, rừng núi trùng điệp, dân cư thưa thớt, nguồn tiếp tế tại chỗ rất ít, chiến sỹ ta phần đông từ đồng bằng, thành phố lên, lần đầu hoạt động trên chiến trường rừng núi, không quen khí hậu khắc nghiệt của vùng cao nên ốm đau nhiều. Nhiều cán bộ, chiến sỹ vừa hành quân, vừa phải chống chọi với cơn sốt rét. Có đại đội đến 70% quân số đau ốm mà không có thuốc chữa trị. Nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, đức hi sinh và lòng quả cảm, tình cảm yêu thương của bà con các dân tộc thiểu số, bộ đội ta đã vượt lên tất cả để dành thắng lợi.
Sau chiến dịch Việt Bắc 1947, cục diện chiến trường thay đổi có lợi cho ta, Trung đoàn Tây Tiến liên tục đánh địch ở Hòa Bình, Sơn La, vùng biên giới Việt Lào… Cuối năm 1949, Trung đoàn 52 Tây Tiến sát nhập vào Đại đoàn Đồng Bằng, được mang tên đoàn Đông Biên, chiến đấu oanh liệt và góp phần dành chiến thắng vang dội trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Để ghi nhớ công lao to lớn của các chiến sỹ Trung đoàn 52 Tây Tiến, Ban liên lạc các Cựu chiến binh Trung đoàn đã phối hợp với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu xây dựng nhà bia lưu niệm Trung đoàn trên đỉnh đồi Nà Bó thuộc tiểu khu 12 thị trấn Mộc Châu. Công trình được khởi công tháng 3/2006, khánh thành ngày 17/9/2006 và được trùng tu, tôn tạo vào tháng 3/2015. Khu di tích được thiết kế dựa theo ý tưởng bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng (một chiến sỹ của Trung đoàn). Với diện tích 5.000 m2, quần thể khu di tích gồm 4 hạng mục chính: Nhà truyền thống, khu tưởng niệm chính (Văn bia), khu vực nhà bia ghi danh, khu hoài niệm (Đài quan sát). Mỗi hạng mục trong khu di tích là một câu chuyện, một kỷ niệm, một chiến công gắn với đoàn quân Tây Tiến.
Ảnh: Di tích lịch sử Tây Tiến, Mộc Châu.
Nhà truyền thống được thiết kế theo kiểu nhà sàn đặc trưng của đồng bào Thái Tây Bắc. Không gian trưng bày bên trong đã tái hiện lại hình ảnh của người lính Tây Tiến, những con đường hành quân năm xưa, nghĩa tình quân dân dọc đường biên giới, tình cảm “sâu hơn nước, vững hơn sông, bền hơn núi” của nhân dân 2 nước Việt - Lào…
Văn bia là khu tưởng niệm chính của di tích, được mô hình hóa thành 4 lưỡi lê chụm đầu vào nhau tượng trưng cho hình ảnh “súng ngửi trời”, thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm, chung ý chí đấu tranh của những người lính. Đây là nơi nhân dân và du khách thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ của đoàn quân Tây Tiến. Tại khu tưởng niệm chính còn có hình ảnh Thạt Luổng - một biểu tượng văn hóa tinh thần đoàn kết của nhân dân Lào; cây hoa Chăm Pa (hoa Đại) - quốc hoa của nước bạn Lào được chính tay các cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến trồng lưu niệm vào ngày khánh thành khu di tích lần thứ 2 20/08/2016 và những bông lau - một hình ảnh rất quen thuộc của núi rừng Tây Bắc, hoang sơ, mộc mạc nhưng sức sống bền bỉ và mãnh liệt. Những bông lau ở đây là hình tượng hóa cho “hồn lau” của nhà thơ Quang Dũng.
Nhà bia ghi danh được thiết kế theo kiến trúc “Khải hoàn môn”, là biểu tượng cho những chiến công, cũng như ước vọng về ngày chiến thắng của đoàn quân Tây Tiến. Mái của Nhà bia ghi danh được thiết kế bằng kính để đón ánh sáng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Dưới cổng “Khải hoàn môn”, mặt trước bia trích một phần nội dung bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các chiến sĩ bộ đội Tây Tiến từ những ngày đầu thành lập, mặt sau ghi lại những chiến công theo dòng lịch sử của những chiến sỹ Tây Tiến.
Khu hoài niệm (Đài quan sát) là nơi có vị trí cao nhất trong khu di tích, khu vực này được bao bọc bằng kính trong suốt, tượng trưng cho vẻ đẹp sương khói hư ảo của núi rừng Tây Bắc, mở ra một không gian ngút ngàn tầm mắt, ta sẽ thấy những đồi chè xanh mát, những đồng cỏ rộng lớn. Tại khu hoài niệm này, du khách cũng có thể quan sát các khu vực: Đồn Mộc Lỵ (đồn chỉ huy của giặc Pháp năm 1952), cánh đồng Mường Sang,…
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những chiến công oanh liệt của đoàn quân Tây Tiến năm xưa sẽ còn vang xa, vọng mãi trong ký ức của đồng bào Tây Bắc, trở thành di sản văn hóa tinh thần có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với thế hệ trẻ hôm nay về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc.
Với những giá trị lịch sử văn hóa to lớn đó, ngày 25/10/2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4012-QĐ/BVHTT&DL công nhận Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến là Di tích Quốc gia. Nơi đây, mỗi năm thu hút trên 25.000 lượt khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu về lịch sử của dân tộc, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.