Đường dây nóng: 0212.3850221

Tình và nghĩa - Việt Nam và Lào

Cập nhật: 10:56:02 27 / 07 / 2022
Lượt xem: 1495

Tình và nghĩa - Việt Nam và Lào

Quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kayson Phomvihan và Hoàng thân Souphanouvong đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, tình hữu nghị Việt - Lào luôn gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.

Những ký ức sâu đậm của các vị lãnh tụ, chiến sĩ và nhân dân hai nước từ  những ngày khói lửa, gian khó thời chiến tranh đến khi hoà bình lập lại, cả hai nước cùng ổn định, bắt tay vào khôi phục và phát triển đất nước.  Những hình ảnh, ký ức "chia ngọt sẻ bùi", "đồng cam cộng khổ" “sát cánh bên nhau” trong suốt những chặng đường lịch sử của hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước; những câu chuyện về tình yêu đôi lứa, về tấm lòng của những bà mẹ Lào, bà mẹ Việt Nam sẽ phần nào khẳng định thêm nữa sự gắn bó khăng khít giữa hai dân tộc. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962 - 05/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), xin kể lại vài câu chuyện đầy tính nhân văn bên dòng lịch sử hai đất nước:

          Mối tình định mệnh

Vào năm 1937, Hoàng thân Souphanouvong có cuộc gặp gỡ định mệnh với cô nữ sinh Đồng Khánh Nguyễn Thị Kỳ Nam ở Nha Trang. Ngày 19/01/1938, sáu tháng sau cuộc gặp đầu tiên, cặp trai tài gái sắc Lào - Việt đã trở thành vợ chồng. Hoàng thân chọn cho người vợ yêu một cái tên mới là Viêng Khăm Souphanouvong - nghĩa là bức Thành vàng quý giá của dòng họ Soupha. Mối tình đầy duyên nợ kéo dài 58 năm đã chứng kiến biết bao biến cố, vất vả đúng như lời ông chia sẻ với bà ngày cưới: “sẽ là con đường của đấu tranh giành lại đất nước Lào thực sự độc lập cho người Lào” - một con đường mà chưa đi đã biết sẽ nhiều chông gai, vất vả hơn mọi con đường khác.

Ảnh cưới Hoàng thân Suphanuvong và cô Nguyễn Thị Kỳ Nam tại Nha Trang ngày19/1/1938

          Tìm lại người xưa

Năm 1987, Thanh - anh bộ đội Việt Nam tình nguyện sang Chămpaxac giúp nước bạn chống Phỉ Vàng Pao. Mon - cô gái Mường Xẻng đã đem lòng yêu thương anh. Khi đơn vị của Thanh rút quân, cô chỉ kịp gửi cho anh một bức thư. Không đọc được chữ Lào nhưng kỷ vật ấy vẫn bên anh suốt hơn 30 năm năm, cho đến khi anh nhờ được người dịch giúp:

 “…Em yêu anh giống như cuộc sống của chính em vậy…em cũng xin yêu anh bằng tất cả tấm lòng, mặc dù có phải chịu đau khổ thế nào em cũng vui lòng khi được yêu anh…”. Thanh quyết định sang Lào tìm cô gái năm xưa… Họ đều đã có gia đình, nhưng ký ức về mối tình đầu vẫn mãi không phai.

 

Lá thư của Mon gửi Thanh năm 1987

(Khi viết câu chuyện này tôi phải xin phép anh Thanh, anh còn gửi cho tôi bức ảnh của anh và Mon ngày ấy và bây giờ khi họ gặp nhau. Câu chuyện rất dài và đầy nỗi niềm. Kể cho tôi nghe, anh bảo cũng nhẹ lòng phần nào nhưng không muốn tôi đăng ảnh để không ảnh hưởng đến cuộc sống của hai người)

          Ngôi mộ giả giữa rừng Lào

Câu chuyện về nấm mộ giả trên đồi bản Xiềng Khen, tỉnh Hủa Phăn - Lào, 65 năm sau bí mật được tiết lộ. Anh bộ đội Việt Nam tên Nam bị Pháp bắn, mang đi chôn đã được Phò Thít Bua cùng một người phát hiện có dấu hiệu sống sót và cứu sống bằng cách đắp một ngôi mộ giả, sau đó đưa Nam lên rẫy, cho con gái đắp thuốc, chăm sóc, dần dà, anh lính Việt Nam cũng được hồi phục. Ngày chia tay, anh lính Việt Nam hẹn sẽ quay trở lại nhưng anh đã hy sinh trong một chiến dịch khác tại Lào.  Đến nay cô con gái ông Phò Thít Bua vẫn một lòng một dạ chờ anh; còn ngôi mộ giữa rừng Lào vẫn hiện hữu như một minh chứng cho tình đoàn kết hữu nghị thủy chung Việt - Lào.

          Chiếc khăn ấm tình Việt - Lào

Hoàng thân Souphanouvong nhiều lần kể:

Đầu năm 1964, tôi và Kaysonphomvihan đến thăm Bác tại Phủ Chủ tịch, trong lúc nói chuyện, gió mùa đông bắc lùa hơi lạnh vào phòng khách, Bác Hồ chợt hỏi: "Ở Lào không rét như ở Việt Nam. Các đồng chí có lạnh lắm không? Sao hai đồng chí không quàng khăn cổ?", Bác mở tủ lấy ra hai chiếc khăn quàng mới rồi nói: "Đồng chí Souphanouvong và tôi là người già, nhiều tuổi, mỗi người một khăn quàng mới" và Bác tháo chiếc khăn đang quàng đưa cho đồng chí Kaysonphomvihan: "Bác trao khăn này để đồng chí Kayxỏn quàng". Khi ra về, đồng chí Souphanouvong hớn hở: "Tôi với Bác mỗi người một khăn mới", còn đồng chí Kaysonphomvihan thì gật gù: "Còn tôi được kế thừa chiếc khăn của Bác Hồ".

 

Từ trái sang: Hoàng thân Suphanuvon, Chủ tịch Kayson Phomvihan, Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội những năm kháng chiến chống Mỹ

          Dòng sữa mẹ Lào

“Tôi nghĩ người Việt cũng như người Lào, tôi thương đồng chí đó vì sợ nếu chết đi sẽ bỏ lại bố, mẹ, vợ, con ở quê nhà. …. Trước đó, tôi cũng chưa từng biết đất nước Việt Nam ở chỗ nào, nhưng khi thấy anh em Việt Nam sang giúp đất nước mình, tôi thương và yêu quý nên tôi quyết định vượt qua mọi ái ngại và cho sữa”.

Đó là chia sẻ của nữ du kích Xêkông 18 tuổi Kanchia, người đã dùng dòng sữa của mình cứu mạng một bộ đội tình nguyện Việt Nam bị sốt rét kiệt sức trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong năm tháng chống Mỹ

 

Bà Kanchia được hội cựu chiến binh tình nguyện tại Lào tặng nhà tình nghĩa

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 438
Hôm qua : 353
Tháng này : 26196
Tổng truy cập : 3761480
Đang trực tuyến : 2