Đường dây nóng: 0212.3850221

Gùi tre - vật dụng gắn liền với cuộc sống của người Mông

Cập nhật: 06:02:09 28 / 02 / 2024
Lượt xem: 4638

GÙI TRE - VẬT DỤNG GẮN LIỀN VỚI CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI MÔNG

          Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây bắc của Tổ quốc - nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mông có 184.618 người (chiếm 15,59%)[1],  đứng thứ ba sau dân tộc Thái và dân tộc Kinh. Người Mông ở Sơn La có ba nhóm: Mông đen (Mông Đu), Mông trắng (Mông Đơ) và Mông Hoa (Mông Lềnh) sinh sống chủ yếu trên vùng núi cao. Dân tộc Mông có nhiều nghề thủ công truyền thống như: Dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong, nghề rèn, làm giấy, và nghề đan lát. Từ lâu họ đã biết tận dụng các loại tre làm vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, trong đó, chiếc gùi tre (lu cở) là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của người Mông.

          Trong gia đình người Mông người phụ nữ đảm nhiệm việc làm giấy, thêu thùa, may mặc người đàn ông đảm nhiệm việc đan lát. Một chiếc gùi đẹp và bền chắc đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, tỷ mỷ, đúng kỹ thuật trong từng khâu đan.

Chia sẻ với chúng tôi: ông Vừ Phái Chứ tại bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: "Để có chiếc gùi đẹp đòi hỏi từng công đoạn phải được lựa chọn kỹ lưỡng, nhất là khâu chọn và chặt những nan được vót từ cây tre bánh tẻ" (loại tre có thân nhỏ, chỉ bằng cổ tay, dày, đặc biệt là không bị mối mọt, chuyên dùng để đan các loại đồ dùng trong gia đình người Mông), tre thường được chặt vào tháng 9 -10 hàng năm cắt thành từng đoạn dài 3,5- 4m, được chẻ, vót thành các nan rộng khoảng 1cm, nan cật và nan lõi để riêng biệt nan cật dùng để đan phần thân, còn phần lõi để đan cuốn theo hình trụ tròn của chiếc gùi, mỗi chiếc gùi cần khoảng  8-10 nan ngang cuốn thành vòng to nhỏ tùy vào nhu cầu sử dụng, cần khoảng 30 - 40 nan dọc là cật cây tre. Những nan tre khi vót xong thường đan luôn trong ngày vì loại tre này có độ dẻo cao, các nan tre khi chẻ ra không bị khô, uốn, gập dễ dàng khi đan.

Chiếc gùi sẽ được đan đáy hình vuông trước, sau đó đan thứ tự từ đáy lên đến miệng gùi; đan một lượt thưa, trước khi gập xuống đáy, lấy một đoạn tre dày khoảng 1 cm, rộng 2,5 cm tạo thành hình tròn trồng lên miệng gùi rồi gập các nan lại xuyên qua các lỗ hổng  từ miệng gùi xuống đáy để thành gùi kín, phần thừa của nan gập vào đáy tạo hai lớp giữ gùi vững chắc hơn. Bên cạnh đó, để chiếc gùi bền lâu, đẹp mắt, người đan sẽ dùng thêm nan mây hoặc nan tre non để nhiều năm trên gác bếp đan ở dưới đáy và trên miệng. Gùi có hai dây đeo, ngày xưa người Mông thường lên rừng lấy các sợi của cây móc để đan làm dây đeo cho bền, đỡ đau vai khi gùi vật nặng. Ngày nay, dây đeo chủ yếu được cắt may từ bao tải hoặc da trâu, bò. Thời gian hoàn thiện một chiếc gùi là từ một đến hai ngày, tùy vào mức độ khéo tay, sự nhanh nhẹn của người đan.

Chiếc gùi là sản phẩm của nghề đan lát thủ công truyền thống của người Mông. Với tập quán sống ở trên núi cao, đèo cao dốc đứng, lối bước gập ghềnh nên chẳng thể gánh gồng, ngoài dùng ngựa để thồ người Mông sáng tạo ra chiếc gùi đeo ở sau lưng. Có nhiều loại gùi to, nhỏ khác nhau để đi nương, đi chợ, cho người già, trẻ con đều mang được. Khi lên nương làm rẫy, làm cỏ hay lên rừng người Mông luôn đeo chiếc gùi trên lưng để đựng nắm cơm, chai nước, những công cụ lao động. Lúc trở về nhà, bên trong chiếc gùi sẽ chất đầy rau xanh, măng rừng, những bó củi hay những bắp ngô... Ở nhà, chiếc gùi còn được dùng để đựng lương thực, thực phẩm. Mặc dù chiếc gùi là sản phẩm đan đặc trưng của người đàn ông, nhưng nó lại gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ Mông với chiếc gùi sau lưng và địu đứa con thơ bé đằng trước, một hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ Mông từ bao đời nay. Trong cuộc sống hàng ngày cũng như các dịp đến chợ phiên, đó lại là niềm vui, sự hãnh diện của người phụ nữ Mông khi đeo chiếc gùi xuống chợ, mang theo những nông sản ra chợ bán. Đến mùa nông nhàn không làm nương rẫy thì gùi được bảo quản trên gác bếp để không bị mối mọt, ẩm mốc.

Ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, song chiếc gùi vẫn là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Mông. Gùi không chỉ là vật dụng thiết yếu mà còn là nét văn hóa đậm bản sắc riêng có của người Mông thể hiện sự khéo léo đã biến từ cây tre, cây mây thành vật dụng giản dị nhưng đầy tiện ích.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH MINH HỌA

Người dân bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuân Châu, tỉnh Sơn La đang đan gùi

Gùi của ông Vừ Phái Chứ tại bản Pha Khuông, xã Co Mạ,

huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

 

 

 

 

 

 

 

Mặt trong của gùi


Người viết: Lò Thị Tuyết - Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn - Bảo tàng

 

[1] Theo Địa chí Sơn la, xuất bản năm 2020

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 341
Hôm qua : 302
Tháng này : 19776
Tổng truy cập : 3720903
Đang trực tuyến : 5