Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước và cách mạng của làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay là tỉnh Hưng Yên). Năm 14 tuổi, đồng chí bắt đầu tham gia hoạt động yêu nước, cách mạng, 20 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, 25 tuổi được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ rồi Ban Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ; được cử phụ trách Khu B (sau là Liên tỉnh B), trực tiếp phụ trách Thành ủy Hải Phòng.
Cuối năm 1939, đồng chí Tô Hiệu bị bắt lần thứ hai, tháng 01/1940 đồng chí bị thực dân Pháp đày lên Nhà tù Sơn La. Tháng 2/1940 tại nhà tù Sơn La, đồng chí Tô Hiệu đã cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và một số đồng chí khác thành lập chi bộ Nhà tù Sơn La và cử đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Tô Hiệu làm chi ủy viên. Đến tháng 5/1940 chi ủy triệu tập đại hội Chi bộ để thảo luận quyết định các chủ trương công tác và thống nhất cử đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư Chi bộ để lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù khắc nghiệt của bọn đế quốc, làm công tác binh vận, dân vận... Chi bộ nhà tù Sơn La tiếp tục lên kế hoạch tổ chức thành công cuộc vượt ngục năm 1943. Mặc dù bị lao phổi nặng, nhưng với cương vị là Bí thư chi bộ nhà tù, đồng chí đã lãnh đạo anh em trong nhà tù đấu tranh, giữ vững khí tiết cách mạng, đồng thời biến nhà tù thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ cốt cán cho Đảng, cho cách mạng.
Đồng chí Tô Hiệu hy sinh ngày 07/3/1944 tại nhà tù Sơn La, những đóng góp to lớn của đồng chí đã góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành độc lập tự do cho dân tộc. Đồng chí đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong tâm tư, tình cảm của biết bao đồng bào, đồng chí tại các địa phương mà đồng chí đã từng hoạt động, tại các nhà tù Côn Đảo, đề lao Hải Phòng, Hỏa Lò Hà Nội và đặc biệt là trong Nhà tù Sơn La. Sự ra đi của đồng chí Tô Hiệu đã để lại niềm tiếc thương vô hạn, sự khâm phục, kính trọng trong đồng chí và đồng bào ta.
Thực hiện kết luận số 88-KL/TW ngày 18/12/2014 của Bộ Chính trị về tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh; xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm, xây dựng, công bố phim tài liệu về thân thế sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu. Năm 2022, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh (1912 - 2022) và 78 năm ngày mất của đồng chí Tô Hiệu (1943 - 2022), Bảo tàng tỉnh Sơn La tổ chức xây dựng, chỉnh lý 01 chuyên đề với nội dung “Tinh thần Tô Hiệu” nhằm giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu qua các thời kỳ, từ đó góp phần làm rõ bản lĩnh chính trị kiên cường, phẩm chất cách mạng trong sáng, chí công vô tư, tinh thần hy sinh quên mình vì lợi ích cách mạng, luôn gắn bó máu thịt với đồng chí, đồng bào là tính cách nổi trội con người liệt sĩ Tô Hiệu. Đồng thời khẳng định công lao to lớn và nhân cách mẫu mực của đồng chí Tô Hiệu, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo. Góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của cha ông ta, qua đó cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực hiện Kế hoạch Giáo dục truyền thống tại cơ sở năm 2022, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với phòng Giáo dục và đào tạo hai huyện Mường La và Mai Sơn để tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống cho các em học sinh tại 20 trường THCS, TH-THCS.
Thông qua các buổi giáo dục truyền thống các cán bộ tuyên truyền của Bảo tàng tỉnh đã giúp các em học sinh phần nào hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của liệt sỹ Tô Hiệu, giá trị lịch sử to lớn của khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La trong giai đoạn hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng của việc học tập lịch sử địa phương cho học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Sơn La.
![]() |
|
|
|
Một số hình tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống cho các em học sinh tại huyện Mường La và Mai Sơn năm 2022.
Không dừng lại ở việc thuyết trình, diễn giải, việc giới thiệu chuyên đề còn được cụ thể hóa thông qua các pano, tư liệu, hình ảnh sinh động, thiết kế các slie trình chiếu hấp dẫn, đẹp mắt, các buổi ngoại khóa… làm cho học sinh không những say mê, lĩnh hội, tìm tòi, khám phá những tri thức lịch sử, mà còn hình thành ở các em thái độ và động cơ học tập đúng đắn, nâng cao chất lượng học tập bộ môn lịch sử nói chung và lịch sử địa phương nói riêng.
Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm của các cấp, các ngành mà trực tiếp là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và đào tạo, sự nhiệt tình trách nhiệm của các cán bộ Bảo tàng tỉnh, sự chung tay, phối hợp của thầy và trò các nhà trường, công tác giáo dục truyền thống của Bảo tàng sẽ gặt hái được nhiều thành công, qua đó sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng xã hội học tập theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Nguyễn An Đại - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La