Bảo tàng tỉnh Sơn La tổ chức Hoạt động ngoại khóa giới thiệu về Nghi lễ cúng dòng họ của người Mông cho học sinh huyện Thuận Châu và Phù Yên
Sơn La là vùng đất có nền văn hoá đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, nơi 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một kho tàng di sản văn hoá mang sắc thái riêng và hết sức quý giá, ngày nay vẫn đang được gìn giữ và phát huy.
Người Mông ở Sơn La chiếm hơn 14% dân số của tỉnh. Gồm có 03 ngành Mông: Mông trắng, Mông hoa và Mông đen, người Mông cư trú hầu khắp các huyện, thành phố của tỉnh Sơn La nhưng chủ yếu tập trung ở các vùng núi cao. Đến nay, người Mông vẫn gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, trong đó có Lễ cúng dòng họ (hay còn gọi là Lễ Tu su, Ùa su, Dù su, Dù tàu…) - là lễ giải hạn, cầu may cho mỗi dòng họ của người Mông.
Thực hiện Kế hoạch số 212 ngày 28/01/2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Sơn La phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin; Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thuận Châu và huyện Phù Yên tổ chức hoạt động ngoại khóa giới thiệu về Nghi lễ cúng dòng họ của người Mông cho học sinh của 06 trường học: Trường PTDTBT THCS Co Mạ và Trường TH&THCS Long Hẹ, huyện Thuận Châu; Trường TH&THCS Suối Bau, Trường PTDTBT TH&THCS Suối Tọ, Trường PTDTBT TH&THCS Kim Bon, Trường PTDTBT TH&THCS Mường Bang, huyện Phù Yên. Qua đó, giáo dục nhận thức truyền thống văn hóa và nâng cao ý thức trong việc bảo vệ di sản.
Thầy cúng thực hành trích đoạn Nghi lễ cúng dòng họ người Mông tại Trường TH&THCS Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tháng 10/2022
Người Mông quan niệm rằng: vạn vật hữu hình, đa thần giáo. Họ cho rằng có lực lượng siêu nhiên, thế giới vạn vật đều có linh hồn, vì vậy, con người phải biết thờ cúng, kiêng kỵ, biết làm các nghi lễ để cầu ma lành phù hộ, bảo vệ con người. Từ quan niệm đó, người Mông đã hình thành các nghi lễ tôn giáo và các điều kiêng kỵ trong phạm vi một bản, một dòng họ, trong gia đình. Họ rất coi trọng dòng họ, với quan niệm: người cùng họ - có họ giống nhau là những người anh em có cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà nhau, phải luôn luôn giúp đỡ, cưu mang nhau. Điểm độc đáo trong lễ cúng dòng họ của người Mông là chỉ có người đàn ông Mông được phép tham gia, không kể là già hay trẻ. Thầy cúng nhờ sức mạnh của thần linh thu hết những vận hạn, rủi ro, bệnh tật trong gia đình để một năm mới được ấm no, hạnh phúc.
Thầy cúng thực hành nghi lễ tại Trường PTDTBT TH&THCS Mường Bang, huyện Phù Yên
Thầy cúng thực hành nghi lễ tại Trường PTDTBT bán trú TH&THCS Suối Tọ, huyện Phù Yên, tháng 10/2022
Lễ cúng dòng họ của người Mông ở Sơn La là một trong những nghi lễ độc đáo, mang ý nghĩa thiết thực về tính nhân văn, góp phần thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hoá của các dân tộc, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.
Thông qua việc tổ chức ngoại khóa giới thiệu về Nghi lễ cúng dòng họ của người Mông cho học sinh huyện Thuận Châu, Phù Yên đã thu hút 352 giáo viên và 6.230 học sinh tham gia, góp phần giúp các em hiểu sâu sắc hơn về giá trị di sản văn hóa của người Mông nói riêng, của các dân tộc nói chung. Từ đó, nâng cao nhận thức, lòng tự hào dân tộc và sự tham gia của học sinh trong việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, giúp cho di sản được giới thiệu, quảng bá đầy đủ giá trị khoa học, lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc
Với nhiều hoạt động thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh thời gian qua, nhiều di sản văn hoá phi vật thể, đặc biệt là Nghi lễ cúng dòng họ của người Mông đã được bảo vệ và phát huy giá trị, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân; quảng bá, giới thiệu văn hóa các dân tộc Sơn La đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Viên chức Bảo tàng tỉnh tổ chức và tặng quà cho học sinh người Mông Trường PTDTBT THCS Co Mạ, huyện Thuận Châu, tháng 10/2022
Học sinh Trường TH&THCS Suối Bau, huyện Phù Yên đang xem phim tư liệu về Nghi lễ, tháng 10/2022
Em Vì A Lư, học sinh Trường TH&THCS Suối Bau, huyện Phù Yên trả lời câu hỏi về Nghi lễ, tháng 10/2022
Viên chức Bảo tàng tỉnh giới thiệu về Nghi lễ tại Trường TH&THCS Suối Bau, huyện Phù Yên, tháng 10/2022
Thầy cúng dùng sừng trâu để xin âm dương trong Nghi lễ,thực hành tại Trường…. tháng 10/2022
Diễn viên nghệ thuật quần chúng thực hành nghi lễ tại Trường TH&THCS Suối Bau, huyện Phù Yên, tháng 10/2022
Thầy cúng mang lọ đựng chỉ màu đi chôn, Nghi lễ cúng dòng họ tại Trường TH&THCS Suối Bau, huyện Phù Yên, tháng 10/2022
Người viết: Lò Thủy Tiên - Bảo tàng tỉnh Sơn La