Đường dây nóng: 0212.3850221

Từ Nhà tù Sơn La tới hội đàm Pari

Cập nhật: 11:01:05 15 / 02 / 2023
Lượt xem: 1267

TỪ NHÀ TÙ SƠN LA TỚI HỘI ĐÀM PARI

Cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968 - 1973) có hai diễn đàn. Diễn đàn công khai gồm đại diện bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Hoa Kỳ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sau là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa (chính quyền ngụy quyền Sài Gòn). Diễn đàn gặp riêng là diễn đàn đàm phán giữa Cố vấn đặc biệt của Đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ - Tiến sỹ Henrry Kissinger. Tham gia diễn đàn gặp riêng còn có Bộ trưởng Xuân Thủy - Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Công hòa tại Hội nghị Paris, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và một số thành viên khác. “Bộ ba” Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải) - Xuân Thủy - Nguyễn Cơ Thạch (Phạm Văn Cương) đã phối hợp rất nhịp nhàng và hiệu quả.  Cả ba đồng chí đều là cựu tù chính trị cộng sản ở nhà tù Sơn La thời thực dân Pháp.

  1. Đường tới Paris

Nhà tù Sơn La là nhà tù tàn khốc ở vùng khí hậu khắc nghiệt rừng thiêng nước độc, sốt rét bủa vây mà thực dân Pháp đã cố ý dày công xây dựng để đày đọa dã man nhằm khuất phục các chiến sỹ cách mạng. Sau lần đầu bị tù đày (1931-1936) ở nhà tù Côn Đảo, vào cuối năm 1940 đồng chí Phan Đình Khải lại bị đày lên nhà tù Sơn La, còn đồng chí Xuân Thủy thì bị đưa lên giam cầm ở đây lần thứ hai như đồng chí đã viết trên báo “Suối Reo”: “Lại đến Sơn La lại núi rừng/ Nằm trên đỉnh núi mà như bưng/ Lờ mờ cửa ngục thông ba lỗ/ Thăm thắm hầm giam sâu mấy từng./ Tháng tháng cơm xôi đau cả bụng”. Vào tháng 5/1941, trước sinh nhật ít ngày, đồng chí Phạm Văn Cương đã bị Công sứ Cútxô đánh cho một trận bò lê bò càng chỉ vì không kéo đủ 13 xe nước từ chân dốc lên nhà tù ở đỉnh dốc trong một buổi chiều. Ngày 13/ 5/1941, ở đây đã bắt đầu diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt nhằm phản đối Công xứ Cútxô đang đày ải 4 tù chính trị cộng sản dưới hầm tối. Cútxô đã đàn áp dã man bằng cách đưa 156 tù chính trị cộng sản xuống hầm tối - nơi chỉ có thể biệt giam 11 người. Cuộc đấu tranh tuyệt thực kéo dài 12 ngày ở nhà tù Sơn La là cuộc đấu tranh gian khổ và oanh liệt nhất trong các nhà tù thực dân Pháp thời ấy. Gian truân khổ ải cùng cực là vậy, nhưng các chiến sỹ cộng sản ở nhà tù Sơn La luôn lạc quan tin tưởng. Phan Đình Khải vẫn viết những vần thơ trữ tình: “Gió xuân ghẹo mảnh áo chàm/ Của cô sơn nữ qua làn suối trong”. Bất chợt trông thấy hoa thủy tiên trên đường đi làm lao công ở nhà tù Sơn La, tâm hồn ông rung động: “Bâng khuâng như nhớ giai nhân/ Gặp nhau ở một ngày xuân qua rồi...”

Vào thời gian đó, đồng chí Tô Hiệu là Bí thư Chi bộ nhà tù Sơn La bị ho lao nặng nên được giam riêng do sự đấu tranh của tù chính trị cộng sản. Đồng chí Phan Đình Khải là Chi ủy viên phụ trách thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và đào tạo cán bộ của Chi bộ thường tới gặp đồng chí Tô Hiệu để chăm sóc (hai đồng chí ở cùng một chi bộ tù ở nhà tù Côn Đảo trước đó), trao đổi và nhận ý kiến chỉ đạo đấu tranh cùng tài liệu học tập cho Chi bộ do đồng chí Tô Hiệu soạn thảo. Phong trào học tập lịch sử và lý luận trong Nhà tù Sơn La do Chi Bộ chỉ đạo bài bản và nề nếp. Ban chi ủy đã phân công một số đồng chí biên soạn tài liệu học tập cho Chi bộ. Bí thư Tô Hiệu biên soạn tài liệu về “Cộng sản sơ giải”, “Thanh nông công vận”, “Kinh nghiệm hoạt động bí mật”, “Chủ nghĩa Lênin đại cương”. Tài liệu “Chủ nghĩa cộng sản vấn đáp” được tập thể Ban huấn luyện thảo ra rồi giao cho đồng chí Trần Huy Liệu chấp bút. Về giảng dạy và truyền đạt kiến thức, Ban chi ủy phân công đồng chí Tô Hiệu và đồng chí Sao Đỏ (Nguyễn Lương Bằng) giảng về công tác tổ chức Đảng, công tác chi bộ, công tác bí mật, đồng chí Trần Huy Liệu giảng về Văn và Sử Việt Nam, đồng chí Trần Đình Long chuyên giảng về triết học Mác -Lênin... Về phương pháp học tập, sau bài giảng, giảng viên thường nêu câu hỏi thảo luận liên quan tới tình hình và thời cơ cách mạng trong nước để học viên thảo luận. Ngoài các lớp chính trị - lý luận, còn có các lớp văn hóa và ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Thái...

Đã bị lưu đày ở các nhà tù Hòa Lò, Sơn La và Côn Đảo, trong hồi ức của mình, Đại tướng Công an Mai Chí Thọ cho rằng: “Nhà tù Sơn La là trường Đại học cách mạng có quy củ nhất so với tất cả các nhà tù mà tôi đã đi qua”. Nhờ trường đại học này mà nhiều đồng chí cựu tù chính trị Sơn La sau này đã trưởng thành và trở thành những cán bộ lãnh đạo cốt cán của Đảng và Nhà nước trong đó có “bộ ba” Phan Đình Khải - Xuân Thủy - Phạm Văn Cương.

Đầu năm 1943, trong số tù nhân mà thực dân Pháp chuyển từ Nhà Đày Sơn La xuống nhà tù Hòa Bình để chờ chuyển đi Côn Đảo có hai đồng chí Phan Đình Khải và Phạm Văn Cương. Đồng chí Phan Đình Khải được Chi ủy chi bộ nhà tù Sơn La chỉ định làm Bí thư chi bộ nhà tù Hòa Bình. Qua một thời gian tiếp tục rèn luyện và thử thách tại chi bộ nhà tù Hòa Bình, đồng chí Phạm Văn Cương đã được kết nạp vào Đảng.

Đầu năm 1944, khi gặp đồng chí Phan Đình Khải lần đầu ở một cơ sở bí mật gần nhà tù Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Đức Lân (Bình Phương, sau là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương) đã cảm nhận: “Anh là con người hiểu rất rõ về tình hình trong nước và quốc tế lúc đó. Anh rất nhạy cảm, đặc biệt là về nhu cầu cán bộ để tăng cường cho phong trào cách mạng đang sôi sục”. Tháng 9/1944, đồng chí Phan Đình Khải được ra tù và được đón lên An toàn khu của Trung ương ở Đông Anh, Hà Nội, đổi họ tên là Lê Đức Thọ để hoạt động bí mật. Tháng 10/1944, đồng chí Lê Đức Thọ được chỉ định là Ủy viên Trung ương Đảng - phụ trách công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ. Tháng 8/1945, tại Hội nghị công tác cán bộ toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, Thái Nguyên, đồng chí Lê Đức Thọ được bầu bổ sung vào Ban Thường vụ Trung ương. Giai đoạn 1949-1954, đồng chí công tác ở Nam Bộ với các chức vụ Phó Bí thư Xứ ủy và Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1952-1954). Từ 1955 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Tháng 2/1968, đồng chí được Bộ Chính trị và Bác Hồ cử vào chiến trường làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam và tới tháng 5/1968, Bác Hồ đã gửi thư đề nghị Bộ Chính trị điều đồng chí ra Hà Nội để sang Paris nói chuyện với phía Mỹ với chức danh Cố vấn đặc biệt Đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đầu năm 1944, đồng chí Xuân Thủy được chuyển từ nhà tù Sơn La về quê để quản thúc. Đồng chí trở lại hoạt động cách mạng trong phong trào Việt Minh, làm Chủ nhiệm báo “Cứu Quốc” của Tổng bộ Việt Minh. Đồng chí liên tục là Đại biểu quốc hội từ khóa I (1946) tới khi mất (1985), là Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1951-1963). Đồng chí được bầu làm Ủy viên Dự khuyết BCHTW năm 1955, là Ủy viên Chính thức BCHTW năm 1960 và được bầu vào Ban Bí thư từ 1968. Từ 1963-1965, đồng chí được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Năm 1968 đồng chí được Bác Hồ và Bộ Chính trị cử giữ chức Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris.

Đầu năm 1945 đồng chí Nguyễn Cơ Thạch ra tù và tháng 8/1945 tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở Nam Định. Từ 9/1945 tới 1953, đồng chí công tác ở Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Hà Đông và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu III. Năm 1954 đồng chí được điều về làm Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao và từ đây chuẩn bị hành trình tới Paris.

  1. Một đấu bốn “bốn trong một”

Hội nghị Pari có 248 phiên họp công khai kéo dài gần 5 năm, phía Mỹ phải thay Trưởng đoàn tới 4 lần (William Averell Hariman, Henry Cabot Lodge, David Bruce, William Parter) nhưng phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có một Trưởng đoàn Xuân Thủy. Mặc dù bị bệnh hen suyễn hành hạ, nhưng với ý chí sắt đá đã được tôi rèn trong những năm tháng tù đày khắc nghiệt, ông luôn điềm tĩnh và thường cười tươi tắn mà giới truyền thông phương Tây ca ngợi là “nụ cười chiến thắng”.

Bộ trưởng Xuân Thủy không chỉ lần lượt đấu với 4 Trưởng đoàn của Mỹ mà còn phải thực hiện đồng thời 4 nhiệm vụ quan trọng: Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tham gia các cuộc gặp riêng với đại diện của Mỹ, chủ trì họp báo và trả lời phỏng vấn, công tác đối ngoại nhân dân. Đồng chí Xuân Thủy đã từng là Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, phụ trách công tác dân vận và mặt trận, Chủ tịch đầu tiên của Hội nhà báo Việt Nam nên nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc.

Với trọng trách là Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị “bốn bên, hai phía”, Bộ trưởng Xuân Thủy đã không chỉ thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật đàm phán xứng tầm, mà còn khôn khéo và sáng tạo thực hiện phương châm “tuy hai nhưng là một, một nhưng lại là hai”. Những sáng kiến về giải pháp quan trọng nhất đưa ra trước diễn đàn công khai ở Paris đều được dành cho đoàn miền Nam: Giải pháp toàn bộ 10 điểm ngày 08/05/1969 của Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, 8 điểm nói rõ thêm ngày 17/09/1970 của Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời, lập trường 7 điểm ngày 01/07/1971 và sau đó là hai điểm nói rõ thêm ngày 01/02/1972 của Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời, v.v..

Mục tiêu đấu tranh ngoại giao đầu tiên của ta ở Hội nghị Paris là buộc Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc - hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam. Trong một phiên họp với Trưởng đoàn đầu tiên Mỹ William Hariman, khi biết đối phương bị điếc, Trưởng đoàn Xuân Thủy đã hỏi: “Ông điếc tai từ bao giờ, tại sao?” William Hariman trả lời: “Từ Chiến tranh thế giới thứ hai, vì chấn động bom và điếc tai bên trái”. Trưởng đoàn Xuân Thủy cười nói khôi hài: “Ông Hariman bị điếc tai vì bom, mà sao không chịu chấm dứt ném bom miền Bắc? Ông ta điếc tai trái, thảo nào mình đòi chấm dứt ném bom vô điều kiện, ông ta cứ nói sang chuyện khác”! Nhưng trong cuộc gặp riêng với William Hariman ngày 21/08/1968, sau khi nghe đối phương nói có ý đe dọa: “Nếu không nói chuyện nghiêm chỉnh thì chiến tranh còn tiếp tục, bom lại rơi trên đầu các ông”, Bộ trưởng Xuân Thủy đã đập tay xuống bàn và sẵng giọng: “Ông dọa à, dọa ném bom trở lại à? Chúng tôi sẵn sàng chống lại!”

Cuộc gặp đầu tiên của Bộ trưởng Xuân Thủy, Tổng lãnh sự Mai Văn Bộ và phiên dịch Nguyễn Đình Phương với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Tiến sỹ Henry Kissinger, phụ tá Anthony Lake và tướng Vernon Walters (tùy viên quân sự của Mỹ) vào chiều ngày 04/08/1969 tại nhà riêng của ông J. Sainteny, số 204 phố Rivoli (Paris) có ý nghĩa rất quan trọng. Tiến sỹ Henry Kissinger đã bí mật tới Paris và yêu cầu giữ bí mật cuộc họp này. Hai bên đã trình bày quan điểm của nhau và hứa hẹn mở ra một diễn đàn mới cấp cao song song với diễn đàn Kléber để có thể đi tới giải pháp cho vấn đề Việt Nam. Khi Tiến sỹ Henry Kissinger xin rút lui trước để ra sân bay đi Bỉ, Bộ trưởng Xuân Thủy đã đứng dậy bắt tay Tiến sỹ và cùng các cộng sự bước ra trước. Trong các cuộc gặp riêng với Kissinger, Bộ trưởng Xuân Thủy cũng đã vạch trần lập luận phi lôgic của đối phương: “Các ông không nhìn vào thực tế mà chỉ nói lý về mình. Khi nào có lợi cho các ông thì các ông làm. Việc các ông mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương thì các ông xem là việc các ông được làm. Còn bây giờ nhân dân Việt Nam chống lại xâm lược của các ông thì các công lại đòi ngừng lại”. Sau này Tiến sỹ Henry Kissinger đã thán phục: “Khi họ đối diện với người đại diện của cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, họ tỏ ra tinh tế, kỷ luật và kiên nhẫn biết bao”.

Trong quá trình đàm phán ở Paris, cả hai đoàn ta có gần 500 cuộc họp báo lớn nhỏ và hàng trăm cuộc trả lời phỏng vấn. Bộ trưởng Xuân Thủy thường chủ trì các cuộc họp báo lớn và thông báo báo chí thứ năm hàng tuần sau phiên họp công khai tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Pari. Ông trực tiếp trả lời phỏng vấn của các báo, các hãng thông tấn phương Tây, của các nước xã hội chủ nghĩa và báo chí Mỹ. Là một nhà báo lão luyện với bề dày kiến thức đông tây kim cổ, nên những câu trả lời của ông rất sâu sắc nhưng rất dễ hiểu, thẳng thắn, lịch lãm, khôi hài và dí dỏm, giải đáp thỏa đáng mọi điều và gây được thiện cảm ngày càng cao trong dư luận quốc tế. Bộ trưởng Xuân Thủy cũng dành thời gian tối đa để tiếp đại diện tổ chức hay cá nhân, từ chính khách, nhà báo, trí thức, nhà tu hành, triệu phú, văn nghệ sĩ đến công nhân, không phân biệt già trẻ, gái trai đến gặp ông để hỏi những điều họ chưa rõ, kể cả người chưa có thiện ý hay có dụng ý xin gặp để truy vặn, dò xét và tìm chỗ sơ hở của ta.

Ngày 12/10/1968, Bộ trưởng Xuân Thủy tiếp nhà bình luận và phóng viên Thời báo New York. Câu chuyện kéo dài hơn 2 giờ với những màn trao đổi và đối đáp đầy kịch tính. Khi Bộ trưởng Xuân Thủy nói: “Phía Chính phủ Mỹ ngoan cố”, đối phương đáp trả: “Chúng tôi xem ra các ngài cũng không kém”. Nghe vậy, ông tươi cười thong thả trả lời: “Tùy cách hiểu của mỗi người. Cách hiểu đúng của chúng tôi là: Nếu quân đội nhân dân Việt Nam đến đánh chiếm nước Mỹ, nhân dân Mỹ đòi chúng tôi rút đi mà chúng tôi không rút; như vậy, các ông bảo chúng tôi ngoan cố là đúng. Mà chúng tôi cũng nhận, nếu quả như thế thì thực là ngoan cố. Khốn nỗi, đằng này Chính phủ Mỹ đến xâm lược nước chúng tôi. Chúng tôi đòi Mỹ, trước hết phải chấm dứt vô điều kiện ném bom miền Bắc... mà Mỹ không chịu thì Mỹ là ngoan cố chứ còn gì nữa. Nếu không gọi là ngoan cố thì gọi là gì? Tôi chưa muốn dùng những từ nặng hơn đấy!” Thế là họ đành phải im lặng. Những hoạt động báo chí và vận động dư luận của ông và cộng sự hai đoàn đã góp phần quan trọng tạo ra “mặt trận đoàn kết nhân dân thế giới” rộng lớn chưa từng có, một phong trào phản chiến rầm rộ ngay trong lòng nước Mỹ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy là “những nhà thương thuyết đầy tài năng, một cặp bài trùng không thể thiếu được trong ván bài lật ngửa giữa các nhà đàm phán Việt Nam và Mỹ tại Hội nghị Paris thời bấy giờ. Đàm phán thắng lợi là nhờ có sự lãnh đạo trực tiếp sáng suốt, uyển chuyển của các đồng chí Lê Đức Thọ và Xuân Thủy”.

3. Nhà phẫu thuật

Tháng 9/2010, phát biểu tại cuộc Hội thảo “Kinh nghiệm Mỹ tại Đông Nam Á, 1946-1975” ở Bộ Ngoại giao Mỹ, Tiến sỹ Henry Kissinger đã phát biểu: “Tôi muốn nói rằng ông Thọ ở Paris mổ xẻ chúng tôi như một nhà giải phẫu, sử dụng con dao mổ một cách hết sức tinh xảo mà lúc nào cũng tỏ ra lịch sự!” 40 năm trước - ngày 21/02/1970, trong lần đầu gặp nhau, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Tiến sỹ Henry Kissinger đã chú ý tới chiếc nhẫn ánh kim trắng sáng trên tay Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ: “Có phải trên tay ông là chiến lợi phẩm của các ông, F105 đúng không?” “Đúng, ông tinh mắt đấy”! Rồi cả hai cùng cười.

Trước khi sang Paris, đồng chí Lê Đức Thọ đã đề nghị Văn phòng liên hệ với bộ phận chức năng của Bộ Quốc phòng nhờ làm cho đồng chí một chiếc nhẫn có khắc “F105” và một chiếc lược chải đầu từ mảnh máy bay “Thần sét” F105. Sau khi xem mẫu lần đầu, đồng chí Lê Đức Thọ đã yêu cầu chỉnh lại mặt nhẫn sao cho đủ rộng để khắc thật rõ nét “F105”. Đó là một thông điệp tinh tế và hàm xúc về niềm tin tất thắng mà Cố vấn đã khẳng định ngay trong lần gặp đầu: “Không phải chúng tôi không có hy sinh mất mát lớn và cũng có nhiều gian khổ nhưng chúng tôi đã thắng... Các ông đã dọa chúng tôi nhiều rồi. Chúng tôi đã đánh với các ông bao nhiêu năm, ông biết rồi. Dù các ông có tiếp tục chiến tranh như thế nào nữa thì cũng không thay đổi được chiều hướng cuộc chiến tranh này”.

Vốn là một chính khách nổi tiếng về các chiêu trò lật lọng và xảo thuật “gài bẫy” đối phương, nên ngay trong lần đầu ấy, Tiến sỹ Henry Kissinger đã phát biểu lắt léo kéo dài 55 phút mà ông tự khoe đó là thói quen của Giáo sư Harvad! Nhưng Cố vấn Lê Đức Thọ đã “mổ xẻ” chỉ ra 4 lần Mỹ đánh giá sai về cục diện chiến trường ở miền Nam và yêu cầu: “Muốn tạo điều kiện để giải quyết vấn đề thì phải thành thật”. Sau này, Tiến sỹ Henry Kissinger buộc phải chấp nhận “Hà Nội đã ghi một bàn thắng” ngay trong cuộc gặp đầu tiên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, “Là người lãnh đạo cao nhất của ta trong đàm phán, lại là người có bản lĩnh vững vàng, có tính quyết đoán cao, nhưng Lê Đức Thọ không bao giờ võ đoán. Làm việc gì, nhất là việc đưa ra những quyết định quan trọng, anh đều bắt đầu bằng việc phân tích tỉ mỉ tình hình, rút ra những kết luận cần thiết rồi xử lý một cách linh hoạt”. Trong các cuộc đấu trí và đấu lý với Tiến sỹ Henry Kissinger, Cố vấn đã “mổ xẻ” chiến lược và chiến thuật của Mỹ, buộc Tiến sỹ phải thừa nhận “sự phân tích của Lê Đức Thọ về chiến lược của Hoa Kỳ là đúng và khôn ngoan”. Tiễn sỹ Henry Kissinger cũng không chịu nổi và thậm chí còn thốt lên: “Tôi biết rồi, ngài không phải nói” khi Cố vấn Lê Đức Thọ phân tích khoét sâu mâu thuẫn nội bộ của Mỹ. Có lần Tiến sỹ còn ca thán: “Các ngài cứ theo chiến thuật đưa ra đòi hỏi của mình rồi phê phán trả lời của chúng tôi như kiểm tra một thí sinh vào vấn đáp”...

Biết Cố vấn Lê Đức Thọ hơn mình tới 12 tuổi và đã có gần 11 năm bị tù đày lao khổ, nên Tiến sỹ Henry Kissinger thường vòng vo buổi sáng và kéo dài đàm phán tới chiều tối. Có cuộc bắt đầu từ 9g30 sáng tới 2 giờ đêm hôm sau, nhưng vẫn không tránh được những ca “mổ xẻ” tinh xảo.  Theo Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự - nguyên chuyên viên quân sự ở Paris, “Vấn đề không rút quân miền Bắc là vấn đề phức tạp và khó khăn nhất. Đồng chí Lê Đức Thọ đứng mũi chịu sào về vấn đề này... Sự chuẩn bị của cơ quan chỉ giúp được phần nào, bản thân đồng chí Lê Đức Thọ phải lao tâm khổ lực tìm hiểu con người Kissinger, chuẩn bị từ ý tứ đến câu chữ sao cho đối phương thấy rõ quyết tâm của ta là dứt khoát không có chuyện rút quân về miền Bắc... Sự kiên trì và khôn khéo của đồng chí Lê Đức Thọ đã từng bước lay chuyển Kissinger, từ đòi rút toàn bộ quân miền Bắc, đến chỉ đòi rút quân chủ lực từ miền Bắc vào tham gia cuộc tấn công năm 1972, rồi chỉ đòi ngừng tiếp tế cho quân ở miền Nam và cuối cùng không còn nêu vấn đề rút quân miền Bắc!”

Khi Mỹ tìm cách “đi đêm” với Trung Quốc và Liên Xô để ép ta, Cố vấn  Lê Đức Thọ đã cảnh báo Tiến sỹ Henry Kissinger: “Trong một ván cờ, quyết định thắng bại phải là người trong cuộc, không có cách nào khác. Chúng tôi độc lập giải quyết vấn đề của chúng tôi. Vào tháng 2/1972, ngay sau khi Tổng thống Mỹ R. Nixon tới Bắc Kinh được một ngày, đồng chí Lê Đức Thọ khi đó đang ở Hà Nội đã tới thăm “Triển lãm điêu khắc dân gian Việt Nam” ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi chăm chú xem các phòng trưng bày điêu khắc gỗ thế kỷ XVI, XVII, XVIII, đồng chí đã căn dặn Viện bảo tàng giữ gìn tốt các di sản văn hóa dân tộc và phát biểu: “Những tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian trưng bày ở đây thể hiện phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta mà ngày nay chúng ta đang kế thừa và phát huy đến mức độ cao: trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phải chiến đấu quyết liệt với một tên đế quốc hung bạo nhất là đế quốc Mỹ, nhân dân ta luôn giữ vững một phong thái bình tĩnh, lạc quan, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng”. Đó cũng là một cách “mổ xẻ” đối phương bằng “dao nhọn” tinh hoa văn hóa dân tộc!

Một năm sau, tháng 2/1973 Tiến sỹ Henry Kissinger đã tới Hà Nội. Đồng chí Lê Đức Thọ đã đón tiếp và đưa Tiến sỹ tới thăm Viện bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Không biết ngẫu nhiên hay chủ ý mà Tiến sỹ đã dừng lại khá lâu ở các phòng trưng bày điêu khắc gỗ thế kỷ XVI, XVII, XVIII và sau khi nghe lời dịch bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà...”, Tiến sỹ đã thốt lên “Vâng, nội dung bài thơ chính là Điều 1 Chương I của Hiệp định Paris vừa ký kết!” Bằng chất giọng trầm điềm tĩnh, đồng chí Lê Đức Thọ đã đọc lại bài thơ “Thần”. Khi âm thanh cuối cùng vừa dứt thì Tiến sỹ Henry Kissinger đã cảm thán: “Bây giờ tôi mới hiểu thảo nào trong đàm phán, ngài từng đã khăng khăng và nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu trả lời khi bàn về quân đội miền Bắc ở miền Nam Việt Nam”. Còn sau khi nghe giới thiệu ba lần dân tộc Việt Nam đánh thắng giặc Nguyên Mông thì Tiến sỹ Henry Kissinger đã thốt lên: “Với chúng tôi một lần đánh nhau với các ông cũng thấy là quá đủ”!

Theo Tiến sỹ Henry Kissinger, Cố vấn Lê Đức Thọ: “hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tụykhéo léo...”. Còn cộng sự của ông - cố vấn pháp lý Lưu Văn Lợi thì cho rằng: “Cái không may của của Kissinger - một nhà ngoại giao nhiều thủ đoạn, nhà thuyết khách có tài, lại đối mặt với một người như Lê Đức Thọ, một chiến sỹ đã được tôi luyện trong đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, một nhà lãnh đạo quyền uy, biết tiến, biết thoái, biết cương, biết nhu. Đấu tranh với Kissinger, ông nặng lòng cảm thông với nỗi đau của dồng bào đồng chí và vững tin ở sức mạnh ngàn năm của dân tộc, bất kể vũ khí, thủ đoạn hay đe dọa nào, một Nixon, một Kissinger không thể khuất phục được con người đó”.

4. “hai trong một

Đầu tháng 10/1972, khi đàm phán ở Paris đi vào thực chất, biết tin Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch với vai trò Trợ lý sẽ cùng đi với Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ sang Paris, ông Phan Hiền - cố vấn pháp lý của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là Bộ trưởng Tư pháp) đã thông báo với các thành viên trong Đoàn: “Chuyến này có Pélé cùng sang”. 

Nếu Công sứ Cútxô còn sống khi đó chắc ông ta sẽ bàng hoàng và ngạc nhiên khi biết ba cựu tù chính trị cộng sản Sơn La: Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ), Xuân Thủy và Phạm Văn Cương (Nguyễn Cơ Thạch) mà ông ta đã từng hành hạ dã man, lại cùng có mặt ở Paris vào thời khắc lịch sử vô tiền khoáng hậu này. Giờ đây, họ lại cùng nhau kề vai sát cánh không phải để đấu tranh với thực dân Pháp, mà để đàm phán cam go với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Tiến sỹ Henry Kissinger cùng các cộng sự ở Thủ đô Paris tráng lệ. Con đường của “Bộ ba” Lê Đức Thọ - Xuân Thủy - Nguyễn Cơ Thạch từ nhà tù Sơn La tới Paris quả là con đường huyền thoại!

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch có duyên phận với ngoại giao chuyên nghiệp từ 1954 với cương vị Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, là Tổng Lãnh sự nước Việt Nam Dân chủ Công hòa tại Cộng hòa Ấn Độ (1956-1960), được cử giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao từ tháng 08/1960 và từ 1964 là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách công tác chống Mỹ. Ông rất coi trọng vấn đề phương pháp luận nghiên cứu quan hệ quốc tế trong đó có phương pháp tìm hiểu tư duy chiến lược, cách nghĩ và cách đi các nước cờ của đối phương. Năm 1965, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, “Tiểu ban Việt Nam” đã được thành lập gồm một số cán bộ “tinh hoa” được lựa chọn kỹ càng để chuyên nghiên cứu các vấn đề ngoại giao và đối ngoại phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo đánh và đàm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các thành viên nòng cốt của Tiểu ban gồm các đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Phan Hiền và một số cấp vụ khác. Một trong những thành quả nghiên cứu quan trọng đầu tiên của Tiểu ban này là đã góp phần hình thành nên những định hướng lớn về “Mặt trận Ngoại giao” như đã nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 BCHTW Khóa III ngày 26/01/1967.

Cuối năm 1967, “Tiểu ban Việt Nam” được tăng cường thêm một số “tinh hoa” khác trong Bộ và được gọi là Vụ II do Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch phụ trách. Trong các tổ của Vụ II, có Tổ “Bước đi” do đồng chí Đinh Nho Liêm làm Tổ trưởng, còn Tổ trưởng Tổ “Giải pháp” là đồng chí Võ Văn Sung. Vụ II “tinh hoa” được sắp xếp và tổ chức làm việc 24/24 giờ.

Đầu năm 1971, Vụ II được bổ sung thêm một số cấp vụ và chuyên viên và được đổi thành CP-50 do Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chủ trì và Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh chỉ đạo trực tiếp. Khi đồng chí Lê Đức Thọ về Hà Nội thì cùng với đồng chí Nguyễn Duy Trinh chỉ đạo đơn vị đặc biệt này. CP-50 có nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược và sách lược đàm phán, kiến nghị với lãnh đạo Bộ để trình Bộ Chính trị các chủ trương đàm phán, từng bước thăm dò, thương lượng về nội dung nói chuyện với Mỹ. Các sản phẩm nghiên cứu của Vụ II sau là CP-50 sau khi hoàn thành đều được lãnh đạo Bộ báo cáo trực tiếp hoặc gửi cho các đồng chí lãnh đạo: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ và Nguyễn Duy Trinh để xin ý kiến góp ý và chỉ đạo cụ thể.

CP-50 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Có Thạch là cơ quan tham mưu chiến lược, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, kết hợp tối đa phát huy trí tuệ sáng tạo, linh hoạt của các thành viên với trí tuệ tập thể. Trong số các sản phẩm “chiến lược” của Vụ II sau là CP-50 có: Giải pháp toàn bộ 10 điểm ngày 08/05/1969 của Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, 8 điểm nói rõ thêm ngày 17/09/1970 của Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời, lập trường 7 điểm ngày 01/07/1971, Kế hoạch 9 điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 26/06/1971..., và bản “Dự thảo Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” mà Cố vấn Lê Đức Thọ đã gửi cho Cố vấn An ninh Quốc gia - Tiến sỹ Henry Kissinger ngày 08/10/1972.

Với trách nhiệm phụ trách công tác chống Mỹ của Bộ Ngoại giao, phụ trách Vụ II và sau là CP-50, chủ trì biên soạn Dự thảo Hiệp định Paris, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã nắm vững các vấn đề đàm phán một cách có hệ thống, lôgic và minh bạch. Vì vậy, khi chuyển từ “sân nhà” sang “sân quốc tế” ở Paris, với vai trò là Trợ lý cho Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã thể hiện là một nhà ngoại giao có tầm tư duy sắc sảo, “biết địch, biết ta”, đã đưa ra những gợi ý và ý kiến xác đáng trong các cuộc đàm phán riêng về Dự thảo Hiệp định và dàn xếp các thỏa thuận...

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ Trợ lý cho Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch còn phải hoàn thành sứ mệnh Trưởng nhóm chuyên viên gồm các chuyên gia tiến hành đàm phán với Trưởng nhóm chuyên viên Mỹ William Sullivan (Phó Trưởng đoàn Mỹ, Trợ lý của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Tiến sỹ Henry Kissinger) về bốn Nghị định thư và tám hiểu biết kèm theo. Cuộc đàm phán này cũng đã diễn ra căng thẳng và kéo dài không kém so với cuộc đấu tranh giữa hai bên về dự thảo hiệp định. Sau khi đạt được thỏa thuận chung giữa hai nhóm thì còn phải đưa ra báo cáo trước cuộc họp cấp cao để có quyết định cuối cùng. Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã thể hiện là một nhà ngoại giao tài ba và khôn khéo khiến đối phương phải “tâm phục, khẩu phục”. Có lần Đại sứ William Sullivan đã phải thừa nhận: “Ông Thạch là một nhà thương lượng khó khăn nhất mà tôi chưa từng gặp phải trong đời ngoại giao của tôi”. Khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu không chịu thi hành Hiệp định Paris, tháng 05/1973, Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch lại tháp tùng cựu Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ sang Paris thương lượng với Cố vấn An ninh Quốc gia - Tiến sỹ Henry Kissinger và hai bên đã ký Thông cáo chung thúc đẩy thi hành Hiệp định: ngừng bắn ngay lập tức, thả tù chính trị và thực hiện tự do dân chủ.

Theo thành viên đoàn đám phán Trần Quang Cơ (sau là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao), sở dĩ đồng chí Nguyễn Cơ Thạch có được sự minh mẫn sắc bén, nhìn xa trong rộng trong phân tích tình hình và trong xử lý các tình huống phức tạp là vì đồng chí đã tự trang bị cho mình một phương pháp luận đúng đắn, một phong cách làm việc khoa học và nghiêm túc, một tinh thần làm việc không mệt mỏi, có ý thức thường xuyên tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận và hiểu biết về đối ngoại. Đồng chí luôn biết kết hợp giữa phát huy tối đa trí tuệ cá nhân sáng tạo với trí tuệ tập thể để không ngừng nâng cao chất lượng công việc đồng thời bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngày một trưởng thành.

5. Khúc khải hoàn

Với việc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973, ta đã thực hiện được nhiệm vụ chiến lược “đánh cho Mỹ cút”. Sau khi ngụy quyền Sài Gòn được Mỹ hậu thuẫn phá hoại Hiệp định và tiến hành lấn chiếm ồ ạt khắp miền Nam, Hội nghị lần thứ 21 BCHTW khóa III (10/1973) đã quyết định tiếp tục thực hiện tư tưởng chiến lược của Bác Hồ: “đánh cho ngụy nhào”. Trên con đường tiến vào Sài Gòn năm xưa, cùng với đội ngũ điệp trùng của 5 cánh quân cũng có “Bộ ba” cựu tù chính trị cộng sản ở nhà tù Sơn La: Lê Đức Thọ - Văn Tiến Dũng - Mai Chí Thọ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Paris trở về Hà Nội, đồng chí Lê Đức Thọ được Bộ Chính trị cử làm “Trưởng ban thi hành Hiệp định Paris” và từ tháng 3/1974 được cử làm Trưởng ban “Ban miền Nam” của Trung ương với nhiệm vụ giúp Trung ương và Bộ Chính trị lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện “Đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 5/1974, đồng chí Mai Chí Thọ - Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia định cùng với một số đồng chí khác đã được Bộ Chính trị triệu tập ra Hà Nội để báo cáo tình hình đô thị miền Nam, chuẩn bị kế hoạch cho cuộc tổng tiến công chiến lược sắp tới. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã căn dặn đồng chí Mai Chí Thọ: “Thành ủy Sài Gòn - Gia Định phải có kế hoạch chuẩn bị thật tích cực và khẩn trương, khéo nghi binh, nghi trang để đảm bảo bí mật, bảo toàn lực lượng, khi thời cơ mới xuất hiện thì kịp thời kết hợp với lực lượng bộ đội chủ lực từ ngoài đánh vào để thực hiện cuộc tổng tấn công nổi dậy”.

Theo đề nghị của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Trưởng ban “Ban miền Nam” Lê Đức Thọ, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã được cử vào chiến trường Tây Nguyên để chỉ đạo trực tiếp tại chỗ nhằm bảo đảm chắc thắng cho trận đánh mở đầu vào Buôn Mê Thuột vào ngày 10/3/1975.

Ngày 28/3/1975, theo quyết định của Bộ Chính trị, Trưởng ban “Ban miền Nam” Lê Đức Thọ đã lên đường vào Tây Nguyên để phổ biến đầy đủ Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam” và truyền đạt những nhận định và quyết định mới của Bộ Chính trị về giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975 cho các đồng chí lãnh đạo ở chiến trường. Do tình chình chuyển biến nhanh, nên Bộ Chính trị đã yêu cầu đồng chí Lê Đức Thọ vào thẳng căn cứ Trung ương Cục miền Nam để cùng với các đồng chí Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp cuộc tổng tiến công và nổi dậy.

Ngày 8/4/1975, trong cuộc họp đông đủ của Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh B2, có thêm các cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh tham dự, đồng chí Lê Đức Thọ đã phổ biến nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị họp ngày 25/3/1975 ở Hà Nội. Cuối cuộc họp, đồng chí Lê Đức Thọ đã thông báo quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng  - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam làm Chính ủy...

Ngày 12/4/1975, Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã họp dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ và ra nghị quyết chuẩn bị ráo riết cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Ngày 14/4/1975, trong cuộc họp với Tư lệnh các Quân đoàn, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đại tướng Văn Tiến Dũng đã yêu cầu các đồng chí Tư lệnh các Quân đoàn “phải nhanh chóng đưa đơn vị đến đúng ngày, tổ chức chỉ huy và thông tin cho chắc, giữ được bí mật mọi hành động của đơn vị trước ngày nổ súng. Phải đặc biệt chú ý giáo dục bộ đội về ý nghĩa quyết định của Chiến dịch đối với việc bảo đảm thắng lợi của chiến tranh và giữ gìn kỷ luật chặt chẽ, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách khi vào thành phố.”

Chính ủy Phạm Hùng đã xúc động nói với các đồng chí trong Bộ Tư lệnh các Quân đoàn: “Đảng ta có truyền thống đoàn kết, nhân dân và quân đội ta có truyền thống đoàn kết, Nam - Bắc một nhà, Việt Nam là một nước. Đây là cơ sở để bảo đảm thắng lợi của chúng ta…Làm sao lúc kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, chúng ta đã có mặt ở Sài Gòn.”

Trưởng ban “Ban miền Nam” Lê Đức Thọ căn dặn các quân đoàn: “Trung ương giao cho Đảng bộ miền Nam, toàn thể các lực lượng vũ trang của ta hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Quân đoàn là lực lượng mạnh, đánh hiệp đồng binh chủng lớn, có trang bị hiện đại, lại có sự phối hợp với các lực lượng tại chỗ, có sự yểm trợ của các binh chủng và quân chủng khác, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ta đánh Sài Gòn lúc địch đang ở thế tan rã, không còn ở thế mạnh. Nhưng đây là sào huyệt cuối cùng của chúng. Chúng không có đường chạy, sẽ cụm lại để đối phó. Chúng có 5 sư đoàn, ta có 15 sư đoàn, chưa kể các lực lượng dự bị chiến lược khác. Như vậy không cho phép chúng ta không đánh thắng. Đó là ý kiến của Trung ương. Lúc tôi đi, các đồng chí trong Bộ Chính trị nói: “Phải thắng, không thắng không về”. Đó là quyết tâm của Bộ Chính trị…

Ngày và đêm 29 rạng ngày 30/4/1975, trước khi các binh đoàn chủ lực của ta tiến vào nội đô, dưới sự chỉ đạo của các cơ sở cách mạng, của cán bộ chính trị do Thành ủy Sài Gòn - Gia Định phái vào và của các lực lượng biệt động thành, nhân dân ở nhiều nơi đã kịp thời nổi dậy phối hợp với cuộc tiến công của bộ đội trên các hướng; tổ chức đón và dẫn đường cho bộ đội; sử dụng các loại xe chở bộ đội nhanh chóng tiếp cận và đánh chiếm các mục tiêu; dùng loa kêu gọi, giải thích, buộc địch đầu hàng; hướng dẫn bộ đội bắt bọn cảnh sát ác ôn và sĩ quan ngụy ngoan cố chạy trốn.

Đúng 11giờ 30 trưa ngày 30/4/1975, quân ta đã lần lượt đánh chiếm và làm chủ các mục tiêu trọng điểm và lá cờ giải phóng do Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận - cán bộ của Lữ đoàn xe tăng 203, kéo lên đã tung bay trên Dinh Độc Lập. Sau đó, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đã đọc bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện trên Đài phát thanh Sài Gòn. Sài Gòn đã được giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Lời dạy của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã được thực hiện trọn vẹn./.

TS Nguyễn Đình Luân (Nguyên thư ký Hội đồng Khoa học Bộ Ngoại giao)


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 197
Hôm qua : 177
Tháng này : 1639
Tổng truy cập : 184934
Đang trực tuyến : 6