Đường dây nóng: 0212.3850221

Phòng trưng bày Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc Sơn La

Cập nhật: 11:59:44 17 / 05 / 2023
Lượt xem: 1280

“BÁC HỒ VỚI NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC SƠN LA”

     Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 - 19/5/2023, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại  Phủ Chủ tịch chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La”. Với hơn 100 tư liệu, hiện vật được trưng bày nhằm giới thiệu với quý vị về tiểu sử, cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tình cảm, sự quan tâm của Bác dành cho đồng bào các dân tộc Sơn La, Tây Bắc. Đặc biệt là sự kiện năm 1959 nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 4 năm thành lập Khu tự trị Thái Mèo, Bác Hồ cùng đoàn đại biểu Đảng, Chính Phủ lên thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La.

Trưng bày gồm 02 phần:

Phần 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp.

Phần 2: Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 tại xã  Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ Bác có tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học lấy tên là Nguyễn Tất thành, trong nhiều năm hoạt động lấy tên là Nguyễn Ái Quốc cùng nhiều bí danh, bút danh khác. Cha của Bác là Cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, mẹ là bà Hoàng Thị Loan, chị gái của Bác là bà Nguyễn Thị Thanh, anh trai của Bác là Nguyễn Sinh Khiêm, Bác có một người em trai tên là Nguyễn Sinh Nhuận, tuy nhiên đã mất khi mới được mấy tháng tuổi.  

Người sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước. Sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến nhiều hiện tượng bất công trong xã hội, dưới ảnh hưởng của phong trào yêu nước, được tiếp xúc với những tư tưởng mới của cách mạng đương thời, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Người nghĩ rằng: "Chỉ có dân ta mới cứu được ta, muốn đánh Pháp thì phải hiểu được lực lượng gốc rễ của Pháp và phải học cách tổ chức của những dân tộc mạnh hơn Pháp".

Với tấm lòng yêu nước, thương dân, ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Latouche Treville quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Ngày đi Người chưa định được ngày về nhưng luôn dặn lòng sẽ phải trở về để cứu đồng bào ta. Cuộc hành trình của Người không ngờ lại kéo dài và gian truân đến thế. Trong suốt 30 năm bôn ba, Người đã đi qua 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, hoà mình vào phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa, của các dân tộc bị áp bức bóc lột ở thuộc địa, Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, đến với con đường cứu nước trong thời đại cách mạng vô sản.

Sau một thời gian hoạt động ở nước ngoài Người đã rút ra một kết kuận quan trọng: "Dù màu da có khác nhau trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và gống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình ái hữu thật mà thôi - Tình ái hữu vô sản".

Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước gửi tới hội nghị Véc - xây bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.

Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và người bỏ phiếu tán thành và gia nhập Quốc tế III, Quốc tế Cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đó là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta.

 Có ánh sáng của học thuyết “chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất” của thời đại soi đường, Người đã tiến hành truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.

Trong những năm 1926-1929, các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nông dân nổ ra trên khắp cả nước, các tổ chức cách mạng được thành lập Đông Dương cộng sản đảng (6/1929); An Nam cộng sản đảng (7/1929); Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (9/1929) nhằm lãnh đạo các cuộc đấu tranh. Tuy nhiên yêu cầu đặt ra với phong trào yêu nước lúc này là cần phải có tổ chức Đảng thống nhất để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Trước thực tế đó, ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ba tổ chức Đảng trong nước đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một bước ngoặt quan trọng của lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Và từ đây, tên tuổi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gắn liền với vận mệnh dân tộc.

Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, Bác chọn Pắc Bó, Cao Bằng làm nơi hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng.

Tháng 5-1945, trước yêu cầu mới của cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã từ Pác Bó về Tân Trào, chỉ thị thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, lấy Tân Trào (Sơn Dương), làm trung tâm Khu giải phóng.

Cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1945, do điều kiện làm việc hết sức gian khổ và thiếu thốn, cộng với tình hình sức khỏe đã giảm sút nhiều trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù đế quốc, Bác Hồ bị ốm nặng, lúc tỉnh lúc mê...Một đêm, tỉnh lại sau cơn sốt, biết tin phát xít Đức đầu hàng Liên Xô, Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Những lời dặn dò của Người, khẳng định quyết tâm và tấm lòng khao khát giành độc lập dân tộc khi thời cơ chín muồi. Đó là kết tinh ý chí của toàn Đảng và khát vọng độc lập của cả dân tộc.

Trung ương Đảng xác định "thời cơ ngàn năm có một" để giành độc lập. Bác chủ trì hai hội nghị lớn: Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân ở Tân Trào và Tổng bộ Việt Minh nhanh chóng quyết định phát lệnh động tổng khởi nghĩa trong cả nước. Chỉ trong 10 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến. Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Người trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”

Ngay sau khi giành độc lập, đất nước ta đứng trước tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”. Với giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm…

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã từng bước giải quyết những vấn đề cấp bách, đưa đất nước vượt qua tình thế khó khăn.

Tháng 5/1946, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp với tư cách thượng khách của Pháp. Lần đầu tiên Chính phủ Pháp treo cờ đỏ sao vàng và cử Quốc ca Việt Nam trong lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam lần nữa, chúng quay trở lại gây chiến. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

“Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”

          Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, chính phủ rút lui lên chiến khu Việt Bắc. Với đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân phát huy cao độ lòng yêu nước, từng bước đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp từ chiến dịch Biên giới, Thu Đông đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954. Kết thúc hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, đưa dân tộc Việt Nam từ địa vị nô lệ lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới, được thế giới ca ngợi và khâm phục.

Trên đây là một số hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh  cùng Trung ương Đảng tham gia chiến dịch, trực triếp chỉ đạo cuộc kháng chiến và trở về Thủ đô.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng mở rộng quan hệ quốc tế. Người luôn tìm cách đưa Việt Nam ra nhập cộng đồng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh tăng cường tình hữu nghị với các nước láng giềng và các nước xã hội chủ nghĩa. Nhằm thắt chặt tình hữu nghị đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ, ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần của các nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng chính phủ Việt Nam đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa: Liên xô năm 1955,….

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Mỹ hất cẳng Pháp nhảy vào Đông Dương, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa mới của Mỹ, đưa không quân ném bom miền Bắc hòng đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Theo sát cuộc đấu tranh gian khổ đầy hy sinh của nhân dân hai miền Nam-Bắc, Người tới tận trận địa và các đơn vị bộ đội đóng quân, diễn tập ở thao trường, chia sẻ với quân dân niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp thống nhất đất nước.

          Bác khẳng định:

          “Nhân dân Việt Nam nhất định thắng!

          Giặc Mỹ xâm lược nhất định thua!

          Việt Nam hoà bình, thống nhất, dân chủ muôn năm!

          Đồng bào và chiến sỹ cả nước anh dung tiễn lên!

Vào hồi 9h47 phút ngày 02/9/1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần tại Nhà H67 trong Khu Phủ Chủ tịch. Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân Việt Nam bản Di chúc lịch sử, căn dặn những việc nhân dân Việt Nam phải làm để xây dựng đất nước sau chiến tranh. Người viết: “ …Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Phần 2: Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình yêu thương cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc, với cương vị là Chủ tịch nước mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn dành thời gian viết thư, thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Bức thư năm 1949 gửi toàn thể đồng bào, các cơ quan, đoàn thể các cán bộ liên tỉnh Sơn - Lai Bác Viết: "Sơn - Lai  tuy ở xa Chính phủ nhưng lòng Chính phủ vẫn gần Sơn - Lai…

Người còn gửi ảnh tặng đồng bào với lời dạy: "Thi đua thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dõi theo từng bước đi lên của nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc, Bác thường xuyên gửi thư thăm hỏi, tặng ảnh cho đồng bào các dân tộc. Nhân các chuyến công tác của nhân dân Tây Bắc ở thủ đô, Bác thường xuyên gặp gỡ, động viên, thăm hỏi và chụp hình cùng nhân dân. Nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng và nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung đều có một ước mong cháy bỏng là được đón Bác lên thăm.

 Ngày 6/5/1959 tại sân bay Nà Sản, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc Sơn La vui mừng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ gồm có: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, Bác sĩ Bộ trưởng Bộ y tế Phạm Ngọc Thạch bắt đầu chuyến thăm Sơn La, Tây Bắc, nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo.

Đây là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Sơn La, Tây Bắc, Người đã để lại tình cảm sâu nặng trong lòng đồng bào.

Ngày 7/5/1959 Bác cùng đoàn công tác bắt đầu lên thăm Thuận Châu, dự lễ mít tinh kỉ niệm 5 năm giải phóng Điện Biên Phủ và 4 năm thành lập khu tự trị Thái - Mèo.

Về tới huyện Thuận Châu Bác đã tham quan khu triển lãm giới thiệu những thành tựu về các mặt nông nghiệp, thương nghiệp, văn hoá, y tế, giáo dục của nhân dân các dân tộc và sự trưởng thành của quân đội trong phong trào tiến nhanh vượt mức kế hoạch, Người rất chú ý đến kết quả 4 năm qua của nhân dân và bộ đội Tây Bắc.

Đồng chí Lò Văn Hặc - Chủ tịch khu tự trị Thái - Mèo thay mặt nhân dân các dân tộc trong khu đọc diễn văn chào mừng Bác cùng đoàn đại biểu Chính phủ. Nhân dân nô nức phấn khởi đón Bác, dâng lên những sản phẩm đia phương do chính bàn tay lao động sáng tạo của bà con từ những thứ bình dị: Rau, quả, gà, vịt, đôi đũa, gối, vải thổ cẩm…

Bác đã thay mặt Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho toàn thể Quân, Dân, Chính, Đảng Khu tự trị Thái - Mèo về những thành tích trong kháng chiến và những tiến bộ trong hoà bình. Người cũng thay mặt nhân dân thủ đô Hà Nội trao cho nhân dân các dân tộc Khu tự trị bức trướng mang dòng chữ: "Đoàn Kết - Thi đua - Thắng lợi" được thêu bằng  chữ Việt và chữ Thái.

Trên đường về, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Khu Tây Bắc đến viếng Nghĩa trang liệt sỹ nhà tù Sơn La, thăm thị xã Sơn La, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu. Ở mỗi nơi, Bác Hồ đều dừng lại nói chuyện với đồng bào các dân tộc.

Tại huyện Yên Châu: Ngày 8/5/1959 hơn 2000 cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc thay mặt cho toàn thể đồng bào trong huyện mặc những bộ quần áo đẹp nhất để đi đón Bác. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe của cán bộ và chiến sỹ và nhân dân các dân tộc trong Châu.

Bác Hồ đã thổi chiếc khèn bè do nhân dân Yên châu tặng cho Người.

Tại Mộc Châu: Ngay khi Bác Hồ xuất hiện cán bộ; nhân dân các dân tộc trong huyện đã vô cùng xúc động mọi người vừa rưng rưng nước mắt vừa vỗ tay hoan hô không ngớt: "Bác Hồ! Bác Hồ!..". Kết thúc buổi mít tinh Bác bắt nhịp cho toàn thể cán bộ, nhân dân các nhân Mộc Châu hát bài hát "Kết đoàn".  Bài hát kết thúc Bác vẫy tay chào mọi người rồi bước lên xe ô tô đi xuống Nông Trường Mộc Châu.  

Tại Mộc Châu, khi đến thăm sư đoàn 335, trung đoàn 280 làm kinh tế tại Nông trường quốc doanh Mộc Châu, Bác đã biểu dương trung đoàn rồi tự tay ghi vào sổ vàng 4 câu thơ:                                                                                                                                                                                                                    

" Luôn luôn cố gắng

Khắc phục khó khăn

Tiến lên thật hăng

Làm tròn nhiệm vụ"

Cảm động trước tình yêu thương và sự quan tâm sâu sắc của Bác, ai cũng ghi lòng tạc dạ những lời dạy bảo quý báu của Người. Thầm hứa quyết tâm thực hiện bằng được những điều Bác mong.

(Chiếc gối của đồng bào Thái; diềm màn của Đoàn thanh niên Lao động khu học xá Mường La tặng cho Bác)

Nhân dân các dân tộc Sơn La luôn hướng về Bác Hồ với một tình cảm sâu sắc, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã viết thư gửi Hồ Chủ tịch, các đoàn đại biểu các dân tộc vinh dự được về thăm thủ đô Hà Hội, đều được Bác tiếp đón ân cần chu đáo tại Phủ Chủ tịch.

 Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Cầm Liên - Chủ tịch Khu tự trị Tây Bắc dẫn đầu đoàn đại biểu nhân dân các dân tộc Tây Bắc xuống Hà Nội viếng linh cữu Hồ Chủ Tịch.

Tỉnh Sơn La đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La đã xin thề học tập và làm theo lời Bác, quyết tâm xây dựng quê hương Sơn La ngày càng phát triển.

Hiện nay tại các nơi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện đã trở thành các di tích lịch sử, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ tương lai của đất nước. 

Phần cuối của trưng bày là những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử đã từng được gặp Bác Hồ cách đây hơn 60 năm. Họ là người dân miền xuôi thực hiện theo lời kêu gọi của Bác lên miền núi phát triển giáo dục hay là giáo viên, học sinh, diễn viên đoàn văn công, bộ đội,… đã vinh dự được gặp Bác Hồ trong sự kiện năm 1959. Câu chuyện đó là những kỉ niệm, ký ức sâu đậm không thể nào quên trong cuộc đời của họ. Qua đó giúp khách tham quan cảm nhận được sự quan tâm, gần gũi, tình cảm của Bác Hồ dành cho nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

 

 

 

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 699
Hôm qua : 699
Tháng này : 8982
Tổng truy cập : 137719
Đang trực tuyến : 6