Hoạt động giáo dục trải nghiệm “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên vải của người Dao huyện Vân Hồ”
Thực hiện Quyết định số 2752/QĐ-BVHTTDL ngày 31/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về ban hành Kế hoạch triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa, năm thứ nhất (2022 - 2023); Kế hoạch số 11/KH-BT ngày 31/01/2023 của Bảo tàng tỉnh Sơn La về tổ chức hoạt động trải nghiệm năm 2023;
Với mục đích nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống, lịch sử văn hóa của địa phương, góp phần vun đắp tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ; sáng ngày 24/6/2023, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên vải của người Dao huyện Vân Hồ”.
Tham dự chương trình có Lãnh đạo: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La; Phòng Văn hóa - Thông tin Thành phố; Phòng Quản lý Văn hóa, Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phòng công tác Đảng và công tác chính trị - Công an tỉnh Sơn La; Trung tâm nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc - ĐH Tây Bắc; Trung đoàn 754 - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và đông đảo du khách.
Đ/c Nguyễn An Đại – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh phát biểu khai mạc chương trình
Đến với trải nghiệm “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên vải của người Dao huyện Vân Hồ”, đại biểu và du khách được hoà mình vào không gian văn hóa truyền thống dân tộc Dao thông qua các hoạt động trình diễn và trải nghiệm kỹ thuật trang trí hoa văn trên vải như: in hoa văn bằng sáp ong, ghép vải, đính đồng tiền, làm quả bông,... Kỹ thuật trang trí hoa văn trên trang phục mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc và đối với văn hóa truyền thống dân tộc, được truyền dạy bằng phương pháp truyền khẩu, thực hành trực tiếp, qua trí nhớ của những người phụ nữ lớn tuổi truyền dạy. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người.
Tiếp đó, đại biểu và du khách được truyền dạy về điệu múa chuông của người Dao. Những chiếc chuông được lắc mạnh tạo thành nhịp đều đặn, những sợi tua màu được tung lên hạ xuống nhịp nhàng, sinh động và đẹp mắt tạo nên sự rộn ràng, hào hứng, say sưa cho những người tham gia vào những điệu múa này.
Nghệ nhân Dao trình diễn điệu múa chuông
Ngoài ra, du khách còn được tham gia các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian như bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo và các hoạt động bổ trợ như tạo hình từ đất màu khô, bắn cung, tô tượng gỗ.
Cuối cùng du khách được trải nghiệm chế biến và thưởng thức ẩm thực của dân tộc Dao Sơn La như nấu xôi sắn, thịt muối chua, rượu hoãng, thịt nướng ống tre,...
Đại biểu và du khách trải nghiệm ẩm thực
Hoạt động giáo dục trải nghiệm đã nhận được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng và xã hội, thu hút hơn 800 lượt khách tham gia. Qua đây giúp cho công chúng hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc ở Sơn La nói chung và dân tộc Dao nói riêng, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong xu thế hội nhập và phát triển.
Một số hình ảnh của hoạt động trải nghiệm: