Đường dây nóng: 0212.3850221

KẾT QUẢ SƠ BỘ CUỘC KHAI QUẬT DI CHỈ KHẢO CỔ HANG TẮNG, XÃ ĐÁ ĐỎ, HUYỆN PHÙ YÊN, TỈNH SƠN LA NĂM 2023

Cập nhật: 04:22:06 28 / 07 / 2023
Lượt xem: 614

KẾT QUẢ SƠ BỘ CUỘC KHAI QUẬT DI CHỈ KHẢO CỔ HANG TẮNG, XÃ ĐÁ ĐỎ, HUYỆN PHÙ YÊN, TỈNH SƠN LA NĂM 2023

Hang Tắng (Hang Dơi) thuộc địa phận bản Hợp Bông, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, cao 270m so với mực nước biển. Hang cao khoảng 20m so với mặt suối dưới chân núi. Hang Tắng nằm trong mỏm núi đá vôi (karst) dạng sót, núi đá có tuổi Trias, cách ngày nay khoảng 250 triệu năm. Núi đá vôi này nằm giữa các đồi đất đã bị phong hóa, đỉnh cao, sườn dốc, thung lũng hẹp.

Di chỉ Hang Tắng được Bảo tàng tỉnh Sơn La phát hiện năm 1999 trong chuyến khảo sát di tích xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.  Tháng 5/2020, các chuyên gia Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành thẩm định Hang Tắng trong chuyến khảo sát các di chỉ vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Trên cơ sở đó, Hang Tắng được đào thăm dò 4m2 vào tháng 11/2020.

Được sự nhất trí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Quyết định số 740/QĐ-BVHTTDL ngày 24/3/2023 về việc khai quật khảo cổ. Cuối tháng 4/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức khai quật di chỉ Hang Tắng, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên.

Quá trình đào khai quật khảo cổ tại di tích

Trong hố khai quật tìm thấy nhiều công cụ đá ghè đẽo, nhiều mảnh tước, rìu mài lưỡi, đồ gốm văn thừng, nhiều vỏ ốc suối, vỏ trai, càng cua và xương răng động vật. Trong lớp khai quật xuất hiện một số cụm đá, trong đó có chày, bàn nghiền, chưa tìm thấy dấu vết bếp và mộ táng.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường (phải) và PGS.TS Nguyễn Khắc Sử phân loại hiện vật trong quá trình khai quật di chỉ Hang Tắng, tháng 4/2023

PGS.TS Nguyễn Lân Cường nghiên cứu địa tầng trong quá trình khai quật di chỉ Hang Tắng, tháng 4/2023

Đầu tháng 7/2023, căn cứ vào kết quả đã thu được trong quá trình khai quật di tích, các chuyên gia của Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, chỉnh lý hiện vật sau khai quật tại Bảo tàng tỉnh.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường nghiên cứu hiện vật xương và vỏ nhuyễn thể tại Bảo tàng tỉnh Sơn La, tháng 7/2023

Về niên đại: Tổ hợp công cụ đá, đồ gốm cùng dấu tích xương cốt động vật, vỏ các loài nhuyễn thể cho thấy, Hang Tắng có sự phát triển từ cuối hậu kỳ thời đại Đá cũ (khoảng từ 30.000 đến 11.700 năm cách ngày nay) qua thời đại Đá mới sớm và giữa (11.700 năm đến 5.000 năm BP) và kết thúc vào giai đoạn hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí (khoảng 5.000 năm đến 3.000 năm BP).

Về các giai đoạn phát triển: Căn cứ vào diễn biến về loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ, thành phần và mức độ hóa thạch động vật, cũng như đối chiếu với đặc điểm cấu trúc trầm tích địa tầng, có thể ghi nhận 03 giai đoạn phát triển văn hóa Hang Tắng như sau:

- Ở lớp văn hóa dưới cùng, tồn tại chủ yếu công cụ cuội ghè đẽo, với các loại hình như: Phần tư cuội, mũi nhọn, rìa lưỡi ngang, rìa lưỡi dọc, chày nghiền, bàn nghiền, hòn ghè, hạch đá và mảnh tước; chưa xuất hiện kỹ thuật mài và đồ gốm; di cốt động vật ở đây hóa thạch. Đây là lớp văn hóa hậu kỳ Đá cũ kiểu văn hóa Sơn Vi hay giai đoạn văn hóa Tiền Hòa Bình.

- Sang giai đoạn giữa, ngoài công cụ đá như giai đoạn sớm đã xuất hiện một số loại hình công cụ mới như rìu hình bầu dục, rìu ngắn, nạo hình đĩa, rìu mài lưỡi, công cụ mảnh tước, bên cạnh chày, bàn nghiền, hòn ghè và rất nhiều mảnh tước. Trong lớp này chưa xuất hiện gốm. Các di tồn vỏ ốc, càng cua, xương răng động vật nhiều về số lượng, chưa hóa thạch. Đây là lớp văn hóa sơ kỳ và trung kỳ Đá mới, tương ứng với văn hóa Hòa Bình và Hậu Hòa Bình.

- Giai đoạn muộn gồm các lớp trên cùng, ngoài công cụ đá như giai đoạn sớm và giữa đã xuất hiện rìu mài lưỡi, mũi nhọn xương mài, đặc biệt đồ gốm. Các di tồn vỏ ốc, càng cua nhiều về số lượng, các xương cốt động vật chưa hóa thạch và giống với các loài động vật hiện nay. Đây là lớp văn hóa hậu kỳ Đá mới và sơ kỳ Đá mới, tương ứng với văn hóa sau Hòa Bình.

Viên chức Bảo tàng tỉnh phối hợp với các chuyên gia khảo cổ học chỉnh lý hiện vật sau khai quật

Kết quả khai quật Hang Tắng năm 2023 đã thu được được hàng trăm hiện vật như: Rìu tứ giác, lưỡi cưa đá, bàn mài, đồ gốm trang trí văn dấu thừng, văn khắc vạch, văn chấm và cả di cốt người là nguồn sử liệu quan trọng góp phần phác thảo bức tranh văn hóa tiền sử của nhân loại trên đất Sơn La, giai đoạn chuyển tiếp từ Đá cũ sang Đá mới và Kim khí, từ nguyên thủy sang văn minh. Đây là nguồn sử liệu quan trọng góp phần nghiên cứu lịch sử, địa chí, bổ sung các công trình nghiên cứu lịch sử - văn hóa trước đây ở Sơn La và miền Tây Bắc.

Dương Thế Sơn – Bảo tàng tỉnh Sơn La

 

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 74
Hôm qua : 144
Tháng này : 1339
Tổng truy cập : 184634
Đang trực tuyến : 5