HỘI THẢO THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH QUỐC GIA HANG MỘ TẠNG MÈ GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH GÓP PHẦN TẠO SINH KẾ CHO NHÂN DÂN XÃ SUỐI BÀNG, HUYỆN VÂN HỒ
Ngày 12/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, UBND huyện Vân Hồ tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Quốc gia Hang mộ Tạng Mè gắn với phát triển du lịch góp phần tạo sinh kế cho nhân dân xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ”. Tới dự có lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Thường trực UBND huyện Vân Hồ.
Toàn cảnh cuộc hội thảo
Tháng 3/2012, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các nhà khảo cổ học, trực tiếp là PGS-TS Nguyễn Lân Cường - Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam tổ chức các chuyến khảo sát, đánh giá hệ thống hang mộ tại xã Suối Bàng.
Việc phát hiện và nghiên cứu những hang động chứa loại hình mộ thuyền, tục "huyền táng" tại xã Suối Bàng góp phần vào việc tìm hiểu, phác họa bức tranh về điều kiện kinh tế, văn hoá xã hội, phong tục tập quán của một phận cư dân cổ mang đậm yếu tố địa phương có mối quan hệ với người Việt cổ ở đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, các dân tộc khác trong khu vực Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Loại hình mộ táng xã Suối Bàng hết sức độc đáo, quan tài được xếp theo tầng từ cao xuống thấp, tùy vào địa vị, vai vế. Một đầu quan tài đặt vào vách đá, đầu còn lại kê lên chạc gỗ hình vầng trăng khuyết, hoặc các giá đỡ khá vững chãi. Hang được chọn là nơi an táng đều quay về hướng mặt trời mọc, thoáng khí để giữ gìn thi thể và quan tài được lâu. Theo quan niệm của người xưa, hang núi là nơi cư trú đầu tiên của loài người, cho nên khi chết cũng trở về với hang. Với giá trị lịch sử - văn hóa đó, di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia năm 2014.
Di tích quốc gia Hang Mộ Tạng Mè
Di tích quốc gia Hang Mộ Tạng Mè
Đoàn công tác đã khảo sát thực địa tại di tích, đặc biệt là hang mộ thuộc bản Nà Lồi, nơi được cho là còn lưu lại nhiều mộ táng nhất với hơn 30 mộ táng có niên đại di cốt cách đây khoảng 1.250 năm. Trước những biến động của thời gian và sự tác động, ảnh hưởng của thiên nhiên, đa số quan tài đã trượt ra khỏi cửa hang, bong gẫy chốt vít. Một số di cốt còn lại của thời điểm mới phát hiện di tích nay cũng không còn.
Tuy nhiên, trải qua gần 10 năm sau khi được công nhận, di tích gần như không có hoạt động khai thác văn hóa du lịch chính thức nào, chỉ dừng lại ở mức tự phát, chưa có ban quản lý di tích để quản lý và bảo tồn di tích. Thảo luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra những quan điểm, nhận định tổng quan về Hang Mộ Tạng Mè, hiện trạng di tích và một số vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích gắn với phát triển du lịch. Các đại biểu cũng cho rằng, cần sưu tầm và biên dựng huyền tích, lời dẫn cho di tích Hang Mộ Tạng Mè phục vụ phát triển du lịch...
Đồng chí Phạm Hồng Thu, Phó giám đốc Sở VHTT&DL trình bày tham luận tại hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Thông qua Hội thảo góp phần đánh giá sâu sắc giá trị lịch sử - văn hoá của di tích quốc gia Hang Mộ Tạng Mè đồng thời định hướng những biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ gắn kết với phát triển kinh tế, du lịch, tạo sinh kế cho người dân.
Tác giá: Dương Thế Sơn – Bảo tàng tỉnh Sơn La