Đường dây nóng: 0212.3850221

Bảo tàng tỉnh Sơn La tham gia Ngày hội trình diễn Cây Nêu và Giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội (diễn ra từ ngày 22-25/11/2023)

Cập nhật: 13:03:03 06 / 12 / 2023
Lượt xem: 2378
Bảo tàng tỉnh Sơn La tham gia Ngày hội trình diễn Cây Nêu và Giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội (diễn ra từ ngày 22-25/11/2023

Ngày hội có 6 tỉnh tham dự gồm: Sơn La, Lai Châu, Thanh Hoá, Đắc Lắc, Quảng Nam và Đà Nẵng, diễn ra từ ngày 22-25/11/2023.

Trong khuôn khổ ngày hội, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã tham gia các phần thi: Trưng bày triển lãm; Trình diễn nghi lễ liên quan đến Cây Nêu và văn hoá ẩm thực.

Phần trưng bày triển lãm được lấy tên: Xẳng Chá - Cầu nối tâm linh, thiết kế trưng bày được lấy ý tưởng từ những chiếc trống chỉ, các con vật, bông hoa được treo trên cây Xẳng Chá, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tỉnh Sơn La trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Giới thiệu với Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế nét đẹp độc đáo, giàu bản sắc của các dân tộc tỉnh Sơn La được thể hiện qua không gian văn hóa với nét chính là Cây Xẳng Chá - Cầu nối tâm linh trong Lễ Hết Chá của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La, văn hoá ẩm thực, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống, nghi thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng các dân tộc. Nội dung trưng bày gồm 03 phần: (1) Giới thiệu về Sơn La - Vùng nước và con người, những di sản văn hóa độc đáo và ấn tượng của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La liên quan đến Cây Nêu; (2) Giới thiệu về Lễ Hết Chá và ý nghĩa của cây Xẳng Chá, một nghi lễ độc đáo của người Thái trắng, bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; (3) Giới thiệu và trình diễn kỹ thuật chế tác nhạc cụ, kỹ thuật thêu, dệt của dân tộc Thái, Dao.

 

Ảnh: Phần thuyết minh không gian trưng bày văn hóa tỉnh Sơn La với chủ đề “Xẳng Chá - Cầu nối tâm linh”

Ảnh: Phần trình diễn Lễ Hết Chá

Phần trình diễn Lễ Hết Chá được thể hiện bởi 25 nghệ nhân, diễn viên đến từ bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu. Lễ Hết Chá là một nghi lễ truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Thái tại bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Lễ Hết Chá được hình thành từ việc các Thầy cúng (Mọ Mun) là những người bốc thuốc nam và cúng khỏi bệnh cho người ốm, sau đó thầy cúng nhận họ làm con nuôi. Hàng năm, Mọ Mun tổ chức Lễ Hết chá chính là lễ tạ ơn của những người con nuôi được chữa cho khỏi bệnh, họ tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần linh đã giúp cho con người sống ở trần gian duy trì được cuộc sống an vui, đoàn kết xây dựng bản làng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…Các nghệ nhân Bản Áng đã mang đến Ngày hội, Cây nêu được trang trí nhiều sắc màu, đẹp mắt với hàng trăm tác phẩm thủ công truyền thống: trống, thuyền bằng gỗ, bằng chỉ; các loại hoa; các con vật trong thiên nhiên được đan bằng tre: chim muông, ve sầu, ếch…đặc biệt là những cành hoa ban, hoa mạ nở rực rỡ được cài vào cây nêu. Thầy cúng hát chá để gửi thông điệp đến thần linh, cầu xin thần linh cùng về vui với các con nuôi, phù hộ cho con cháu, dân bản; để gọi hồn con nuôi về nhà, dặn dò, dạy bảo. Khắp chá còn được đệm thêm nhạc của sáo mo trầm bổng, nhịp tăng bu rộn ràng càng làm cho làn điệu khắp chá thêm hấp dẫn, linh thiêng. Lễ Hết Chá được các nghệ nhân thể hiện các trò diễn mô tả đời sống sản xuất, sinh hoạt, phê bình những thói hư, tật xấu, tôn vinh nét văn hoá đẹp của cộng đồng như: Trò diễn “Trâu tập cày”; các điệu múa hát truyền thống, thi nấu cơm, hái măng, xúc cá, đơm cá, trêu tổ ong bị đốt, chơi bịt mắt bắt dê, đóng giả nam - nữ tìm nhau… những trò diễn gây tiếng cười sảng khoái, làm quên đi những lo toan, lao động vất vả của đồng bào. Đan xen giữa các nghi lễ, trò diễn, mọi người tham gia vào điệu xòe chá trên nền của các loại nhạc cụ dân tộc rất rộn ràng như: trống, chiêng, chũm chọe, các loại ống tre. Các điệu xòe chá được thể hiện gồm có: xòe vòng quanh cây nêu; xòe khăn, xòe ống tre… Phần trình diễn của các nghệ nhân bản Áng được du khách đón nhận hào hứng, nhiệt tình.

Phần thi Ẩm thực: Mâm cơm được giới thiệu có chủ đề: “Tây Bắc hội tụ”, giới thiệu các món ăn đặc sắc của người Thái như: Xôi ngũ sắc, cháo quả đắng, cá nướng, nhộng ong, quả trám đen, gà nướng, thịt lợn gác bếp, rau đồ, cơm lam, chéo. Các món ăn được Hội đồng thẩm định đánh giá cao, du khách thích thú thưởng thức.

Ảnh: Mâm ẩm thực mang tên “Tây Bắc hội tụ” của đoàn Sơn La

Ảnh: Hội đồng chấm thi thưởng thức ẩm thực Tây Bắc

Với 03 phần thi, Đoàn Bảo tàng Sơn La đã được xếp 02 giải A cho phần Trình diễn Lễ Hết Chá và Ẩm thực, 01 giải B cho phần Trưng bày triển lãm.

Ngoài các phần thi, Đoàn Bảo tàng tỉnh và các nghệ nhân còn tham dự Chương trình Khai mạc tuần “Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hoá Việt Nam” Ngày hội trình diễn Cây Nêu và Giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II.

Ngày hội trình diễn Cây Nêu và Giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II là ngày hội để các dân tộc có nghi lễ, lễ hội liên quan đến Cây Nêu đặc sắc giới thiệu, trình diễn. Đồng thời, là dịp để các dân tộc được giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch giữa các cộng đồng dân tộc anh em. Ngày hội đã diễn ra và thành công tốt đẹp./.

Ảnh: Đoàn Bảo tàng tỉnh và nghệ nhân, diễn viên trước không gian trưng bày văn hóa tỉnh Sơn La

Ảnh: Nghệ nhân, diễn viên đoàn Sơn La trình diễn xong phần thi Lễ Hết Chá

 

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 446
Hôm qua : 353
Tháng này : 26204
Tổng truy cập : 3761488
Đang trực tuyến : 2