Nguyễn Thị Ngọc Tú – Bảo tàng tỉnh Sơn La
Đồng chí Nguyễn Lam tên thật là Lê Hữu Vỵ (1921-1990) tại thôn Đại Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Năm 1939, đồng chí Nguyễn Lam tham gia Đoàn Thanh niên phản đế, bị thực dân Pháp bắt, kết án 12 năm tù và đày lên ngục Sơn La. Nơi ngục tù tăm tối, ý chí cách mạng của người thanh niên ưu tú đã được chi bộ Nhà tù Sơn La vun đắp, đào tạo, kết nạp trở thành Đảng viên khi mới 22 tuổi.
Đ/c Nguyễn Lam (Lê Hữu Vỵ)
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp ở Đông Dương một mặt tăng cường bóc lột thuộc địa, một mặt ban hành hàng loạt sắc lệnh, biện pháp tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương. Hệ thống nhà tù chính trị gia tăng phục vụ cho việc giam cầm, giết hại những người Việt Nam đấu tranh trong phong trào yêu nước. Chỉ trong tháng 9/1939, toàn Bắc Kỳ có 1.051 vụ khám xét, bắt bớ. Nhiều tổ chức Đảng bị phá vỡ, nhiều đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Xứ ủy, Tthành ủy bị sát hại hoặc bị tù đày, giam cầm khắp các nhà tù trên cả nước..
Thời điểm này, ở Sơn La đã bắt đầu nổ ra các cuộc đấu tranh của các nghĩa quân dân tộc hưởng ứng phong trào chống thực dân Pháp. Vùng Mường La, Thuận Châu phổ biến hình thức đấu tranh không vũ trang chống lại chế độ thống trị bóc lột, đưa ra yêu sách đòi lại quyền lợi cho đồng bào. Các cuộc đấu tranh của đồng bào nơi đây bị thực dân Pháp huy động lực lượng phản động địa phương đàn áp và dập tắt ngay lập tức, tiến hành các cuộc bắt bớ người dân và giam giữ tại nhà tù Sơn La.
Nhà tù Sơn La là nhà tù hàng tỉnh do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1907 nhưng đến năm 1930 được mở rộng, kiến cố, nâng cấp trở thành nhà tù quốc gia và chuyển đổi mục đích chủ yếu giam giữ tù nhân chính trị.
Nhà tù Sơn La được mở rộng lần thứ 2 năm 1940, tổng diện tích nhà tù lên đến 2184 m2, nhằm tiếp nhận thêm nhiều đoàn tù chính trị thực dân Pháp đày từ nhà tù Hỏa Lò lên giam giữ. Từ cuối năm 1939 đến cuối năm 1942, tổng cộng có 7 đoàn với 477 lượt tù nhân bị đày lên giam giữ, trong đó có các đồng chí: Trần Đăng Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tô Hiệu - Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư thành ủy Hải Phòng, Trần Quý Kiên - Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Khuất Duy Tiến - Bí thư tỉnh ủy Thái Bình, Đỗ Nhuận, Xuân Thủy, Lưu Đức Hiểu,... Khi đang hoạt động tại vùng đồng bằng Sông Hồng, đồng chí Nguyễn Lam bị bắt, tháng 12/1940, bị kết án 12 năm tội chống đối chính quyền và bị đày lên nhà tù Sơn La.
Xuất phát từ thực tế đông đảo lực lượng đảng viên cộng sản bị giam cầm tại ngục Sơn La, đặt ra yêu cầu cấp bách phải có một tổ chức Đảng lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống tại âm mưu thủ tiêu lực lượng cách mạng của thực dân Pháp. Nhiều đồng chí đã tham gia hoạt động từ rất sớm và từng trải qua nhiều nhà tù đế quốc, có kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo. Vì vậy, tháng 12/1939, chi bộ lâm thời được thành lập, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Bí thư.
Tình hình trong ngục có nhiều biến chuyển, số lượng tù chính trị cốt cán ngày càng đông, cai ngục càng tăng cường các biện pháp giam giữ nghiêm ngặt: tăng định mức khoán lao động khổ sai, phạt giam hầm ngầm các đồng chí lãnh đạo tù nhân đấu tranh nhằm làm suy nhược sức khỏe và thủ tiêu ý chí của tù nhân. Để bảo toàn lực lượng và do yêu cầu ngày càng cao đối với công tác lãnh đạo trong giai đoạn phức tạp, tháng 2/1940 chi bộ lâm thời chuyển thành chi bộ chính thức, đồng chí Trần Huy Liệu được cử làm bí thư. Tháng 5/1940, chi bộ tiến hành đại hội quyết định các chủ trương công tác trước mắt và lâu dài, đồng chí Tô Hiệu được tín nhiệm bầu giữ chức vụ bí thư. Trong 5 công tác lớn được thống nhất triển khai, đó là:
Công tác phát triển đảng được chi bộ rất quan tâm và tiến hành cẩn trọng. Chi bộ hoạt động tuyệt đối bí mật, an toàn. Vì thế, không phải cứ đảng viên cộng sản bị bắt và đày giam tại ngục Sơn La thì được đứng trong hàng ngũ đảng viên của chi bộ mà phải được xem xét quá trình bị bắt có khai báo thông tin làm ảnh hưởng đến cán bộ, tổ chức, có giữ vững tinh thần trong ngục hay không mới được đề xuất thử thách và kết nạp. Bởi vậy trải qua quá trình hoạt động từ tháng 12/1939 đến 3/1945 chi bộ chỉ có 53 đảng viên (trong tổng số tù nhân bị đày từ nhà tù Hỏa Lò lên Sơn La giai đoạn 1930-1945 là 1013 lượt).
Đồng chí Nguyễn Lam khi bị bắt chưa phải là đảng viên cộng sản nhưng trong ngục đã có nhiều cống hiến và thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng nên được đưa vào đội thanh niên trung kiên để thử thách xem xét kết nạp. Đội thanh niên trung kiên cùng với Nguyễn Lam có Mai Chí Thọ, Lê Trung Toản, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Cơ Thạch do đồng chí Nguyễn Văn Trân phụ trách (nên trích nguồn nếu có để tăng tính thuyết phục).
Sang đến đầu năm 1941, Giám ngục Coussaeu thay đổi biện pháp với tù nhân, từ xoa dịu các cuộc đấu tranh chuyển sang đàn áp không cần lý do, tăng định mức khoán lao động khổ sai, cắt bỏ các quyền lợi tối thiểu của tù nhân: không liên lạc với người nhà, không được đọc sách báo, tài liệu,... chỉ cần một động thái nhỏ phản kháng sẽ bị đày giam xuống xà lim ngầm. Tù nhân càng nhún nhường, tên giám ngục càng lấn tới, hắn ra lệnh cho lính canh phải bắt tù nhân làm cật lực, có gục tại chỗ cũng mặc.
Đỉnh điểm của xung đột là sự việc tên cai ngục bắt đội xe nước, kể cả người ốm cũng phải làm vượt quá sức chịu đựng, anh em gần như kiệt sức, làm không nổi hắn đày cả đội xe nước xuống hầm ngầm bỏ đói. Trước tình hình đó, ngày 12/5/1941, chi bộ triệu tập Đại hội (chính xác ko) toàn nhà tù thống nhất chủ trương tiến hành chất vấn tên giám ngục về những quy định vô căn cứ và yêu cầu thả những người bị phạt giam tại khu hầm ngầm. Kết thúc giờ lao động sáng hôm sau, tù nhân tập trung ở sân đòi gặp Công sứ và đưa yêu sách. Hắn không những không chấp nhận mà còn huy động lính khố xanh rầm rộ kéo đến, dàn hàng ngang trong sân, súng ống, lưỡi lê sẵn sàng cho một cuộc đàn áp. Hắn ra lệnh bất cứ ai kháng cự sẽ bắn chết tại chỗ. Chi bộ đã chỉ đạo không có bất cứ manh động nào tránh bị tổn hao lực lượng, tiến hành đấu tranh ôn hòa nhưng kiên quyết. Chính vì vậy, tên công sứ không có lý do đàn áp anh em song vẫn không nhượng bộ.
Đêm đó ủy ban đấu tranh được thành lập, do đồng chí Trần Huy Liệu làm trưởng ban và quyết định tiến hành tuyệt thực tập thể để đòi lại quyền lợi cho tù nhân. 156 tù nhân tham gia cuộc tuyệt thực đã bị Công sứ dồn hết xuống hầm ngầm. Ra lệnh cho toàn trại giam, nếu ai để lọt một hạt cơm, một giọt nước xuống hầm ngầm sẽ bị bắn chết không cần xét xử.
Thông thường, hầm ngầm chỉ giam tối đa 20 người, thời điểm này giam đến 156 người, hầu hết chỉ đủ để đứng. Hầm ngầm không có cầu tiêu, anh em tù nhân đứng ở đâu đi vệ sinh ở đó, nơi đây trở thành cầu tiêu nổi khổng lồ, nhầy nhụa, hôi thối, ròi bọ nhung nhúc. Không có nước uống, tù nhân phải dùng cả nước tiểu để đỡ cơn khát cháy họng. Cuộc đấu tranh, đấu trí gian khổ dưới hầm ngầm đã thử thách ý chí người cộng sản và rèn luyện tinh thần càng thêm cứng rắn. Âm mưu biến hầm ngầm trở thành mồ chôn tập thể của 156 tù nhân không thực hiện được, đồng thời, lo ngại các cuộc biểu tình của nhân dân địa phương, công chức và binh lính cũng ngầm giúp đỡ tù nhân, sẽ ảnh hưởng đến thời cuộc lâu dài nên sau 12 ngày đêm, tên Công sứ đã thả tù nhân ra khỏi hầm ngầm.
Trong 156 tù nhân tham gia đấu tranh tuyệt thực có 10 đảng viên Cộng sản, 2 đảng viên Quốc dân đảng, còn lại là tù chính trị cảm tình cộng sản. Đồng chí Tô Hiệu đang là bí thư chi bộ, tình nguyện tham gia tuyệt thực nhưng Ủy ban đấu tranh xét thấy đồng chí sức khỏe rất yếu, không muốn để đồng chí hy sinh vô ích mà phân công nhiệm vụ làm liên lạc và tuyên truyền với công chức, binh lính, thông qua họ đến nhân dân Sơn La để đấu tranh, ủng hộ tù nhân. Thời điểm này đồng chí Nguyễn Lam đang là cảm tình đảng, trải qua cuộc đấu tranh tuyệt thực “Lửa thử vàng” 13/5/1941 đồng chí đã khẳng định được bản lĩnh thanh niên trung kiên và được chi bộ tin tưởng tiếp tục giao cho nhiều trọng trách khác.
Ngay từ khi thành lập, chi bộ chú trọng công tác đào tạo và huấn luyện đảng viên, giáo dục lý tưởng cho quần chúng kiên trung. Các lớp học ban đêm được bí mật tổ chức. Tùy theo trình độ, sở trường anh em mà phân vào các lớp quốc ngữ, ngoại ngữ, Triết học, binh vận, quân sự ... Tài liệu do các đồng chí Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đình Long, ... đã kinh qua học tập, nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tế dày công biên soạn.
Các đồng chí Văn Tiến Dũng, Lê Quang Hòa, Trần Danh Tuyên, Nguyễn Lam, ... được giao nhiệm vụ “Thư kí Ban Giám hiệu nhà trường”. Tổ thư ký phải làm việc đêm, bớt khẩu phần mỡ ăn để làm đèn thắp sáng viết tài liệu phổ biến cho các lớp học. Tài liệu học chỉ to bằng vỏ bao diêm, chữ nhỏ li ti, viết bằng que sắt mài nhọn như mũi kim[1] (định chú thích gì đây). Tổ thư ký chịu trách nhiệm bảo quản tài liệu tuyệt đối bí mật, phải khoét một hộc trên tường sát với trần nhà để cất giữ. Sau mỗi ngày lao động khổ sai, cai ngục điểm danh xong, các lớp học được triển khai trong các trại giam, giáo viên dùng gạch non, than viết lên tường để giảng dạy sau đó xóa sạch dấu vết. Nhà tù Sơn La trở thành ngôi trường cách mạng lớn, đào tạo cho đảng lực lượng cán bộ, quần chúng kiên trung đông đảo .
Khi thành lập chi bộ chỉ có khoảng 10 đảng viên, đến năm 1943 đã có gần 30 đảng viên. Những đồng chí được chi bộ xem xét đảm bảo lý lịch không khai báo khi bị địch bắt, có ý thức học tập, phấn đấu trong ngục được đưa vào tổ trung kiên thử thách. Trải qua 3 năm rèn luyện trong tổ trung kiên, cuối năm 1943, đồng chí Nguyễn Lam đã được kết nạp đảng, khi đó đồng chí Trần Quốc Hoàn là bí thư chi bộ.
Hoạt động của đồng chí Nguyễn Lam tại nhà tù Sơn La có lẽ không thể quên cái tết năm 1942. Thông thường tết đến, tù nhân chỉ được nghỉ lao động ngày, bữa cơm tết thêm được một vài miếng thịt lợn mỡ và vài hạt muối. Nhưng sau các cuộc đấu tranh, tù nhân đã giành lại một số quyền lợi. Năm 1942, nhận được tin Hồng quân Liên Xô phản công phát xít Đức thắng lợi, chi bộ lên kế hoạch tổ chức ăn mừng vào tết Nhâm Ngọ để động viên, khích lệ tinh thần đấu tranh của anh em, đồng thời thỏa mãn nhu cầu ăn uống của anh em bị thiếu thốn lâu ngày. Đó là cuộc đấu trí, thương thuyết bền bỉ của chi bộ với tên Giám ngục, một mặt chỉ đạo anh em phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định nhà tù để chúng không lấy cớ bác bỏ đề nghị được tự tổ chức tết.
Về trang trí có ban khánh tiết, có tranh vẽ, câu đối, cành đào, đến nỗi cai đội khen đẹp hết lời xong vẫn lo ngại giám ngục sẽ gây khó dễ cho cả tù nhân lẫn lính canh. Đồng chí Trần Huy Liệu - bí thư chi bộ phải khéo léo thuyết phục rằng, chủ yếu cho tù nhân đỡ nhớ nhà, “yên tâm” thi hành hết án tù không gây phiền phức cho lính canh, cai đội.
Chuẩn bị khá công phu là buổi diễn kịch. Các vở kịch đả kích chế độ, cổ vũ cách mạng rất thâm thúy và sâu sắc. Sân khấu được dựng lên trong trại giam lớn cũ bằng ván sàn, trang phục tự chế hoặc mượn của công chức, quần áo phụ nữ mượn được bà con dưới phố chợ. Buổi biểu diễn còn thu hút cả binh lính đến xem, tên tuần phủ Cầm Ngọc Phương cũng đến vào ngục xem tù nhân ăn tết thế nào. Hắn hậm hực nhưng đã hứa cho tổ chức tết nên không cản trở gì.
“Ghánh hàng xuân” được được làm trong khu xay thóc, giã gạo, trang trí bằng lá cọ, bày bán cả mứt kẹo, cà phê (người nhà của tù nhân gửi lên). Do thực dân Pháp cấm sử dụng tiền trong tù nên mua bán hàng phải đổi từ tiền mặt của cá nhân sang phiếu của “ngân hàng nhà tù” do đồng chí Tô Quang Đẩu làm “giám đốc” phát hành, có chữ kí của đồng chí Ngô Minh Loan. Làm nhiệm vụ bán hàng là một cô gái xinh xắn, mặc quần trắng áo tân thời đúng mốt, có khăn trùm đầu, nhìn kỹ mới nhận ra là đồng chí Nguyễn Lam.
Tối đến, trong tiết mục ca trù, do đồng chí Xuân Thủy tham gia cầm chầu, đồng chí Nguyễn Lam dáng người mảnh khảnh, mới có 20 tuổi, được hóa trang thành cô đầu rất xinh gái, tên cai ngục Giovannetty, người đảo Corse, tưởng là phụ nữ còn ôm hôn, ngưỡng mộ.
Tết Nhâm Ngọ 1942 thành công ngoài sức tưởng tượng, nhân dân, binh lính, công chức địa phương ngày càng có cảm tình với tù chính trị nên công tác dân vận đã bớt khó khăn. Đặc biệt chi bộ còn gây dựng được tổ chức “Thanh niên cứu quốc”, tổ chức cộng sản đầu tiên trong đồng bào Thái tỉnh lỵ Sơn La, sau này phát triển thành Đảng bộ tỉnh Sơn La (nên chú thích nguồn nếu có). Những người Việt Nam yêu nước bị giam cầm nơi đây được tiếp thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của chi bộ, tiếp tục giữ vững tinh thần, cống hiến cho một giai đoạn mới của cách mạng. Bên cạnh đó, cái tết đáng nhớ này để chia tay đoàn tù chính trị sẽ được chi bộ tổ chức vượt ngục vào giữa năm, cuộc vượt ngục được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng cũng không thể dự tính trước có được gặp lại nhau hay không.
Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Trung ương Đảng xác định thời cơ đến. Ngày 12/3/1945, Thường vụ trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trên toàn quốc. Thời điểm này, tại Sơn La, chính quyền tìm mọi cách bưng bít thông tin, nhưng từ binh lính và công chức Pháp, chi bộ nhà tù Sơn La đã nhận được thông tin Nhật đảo chính Pháp.
Với sự nhạy bén chính trị, chi bộ đã chuẩn bị chu đáo lực lượng, lương thực, vũ khí cho một kế hoạch giải phóng toàn bộ tù nhân. Công sứ, cai ngục ý định lợi dụng tù nhân trở thành lực lượng giúp chúng chiến đấu chống Nhật. Ngày 17/3/1945, Giám ngục đưa tù nhân di chuyển về trại giam ở Nghĩa Lộ, Yên Bái. Ban lãnh đạo nhà tù đã dự kiến phương án giải thoát dọc đường đi. Tên Giám ngục không kịp trở tay phải chạy thoát thân. Gần 200 tù nhân nhà tù Sơn La được giải phóng, trong đó có đồng chí Nguyễn Lam. Theo sự phân công của chi bộ đồng chí bắt liên lạc với Xứ ủy và được phân công phụ trách công tác Thanh niên, tập hợp lực lượng thanh niên yêu nước chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.
Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam, được tổ chức ngày 25/10/1956 tại Hà Nội, Đoàn đã chính thức đổi sang tên mới, đồng chí Nguyễn Lam được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí được đảng tín nhiệm giữ nhiều trọng trách khác: Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng bộ Kế hoạch đầu tư, Phó Thủ tướng chính phủ... Dù ở cương vị nào đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và luôn đem theo bài học thấm nhuần lý tưởng từ những ngày đầu đến với Đảng được vun đắp, rèn luyện tại Nhà tù Sơn La./.