Cách đây 64 năm về trước, thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ III, tháng 9/1960 và Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên. Hơn 1300 đảng viên, đoàn viên, thanh niên tuổi đời 20-35 ở 9 huyện của tỉnh Hưng Yên đã xung phong đi đầu trong ngọn cờ khai hoang xây dựng quê hương mới tại Tây Bắc.
|
|
Cán bộ và nhân dân Hưng Yên tiễn đưa thanh niên đi xây dựng kinh tế miền núi (Tây Bắc) tại nhà Bảo tàng cách mạng Hưng Yên, tháng 12/1960 (Nguồn: Bảo tàng Hưng Yên) |
Nhân dân tỉnh Hưng Yên, tiễn đưa các thanh niên đi xây dựng kinh tế miền núi (Tây Bắc), năm 1960 (Nguồn: Bảo tàng Hưng Yên) |
Bảo tàng tỉnh Sơn La đã và đang chuẩn bị nội dung cho trưng bày “Di dân khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới”, nhằm giới thiệu về quá trình lao động, hy sinh quên mình của Nhân dân các tỉnh miền xuôi theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước đã dời bỏ quê hương lên Sơn La khai hoang, lập nghiệp phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh Sơn La.
Qua lời giới thiệu của ông Nguyễn Vũ Điền - Hội trưởng hội khoa học lịch sử Sơn La, đoàn công tác Bảo tàng tỉnh đã gặp được “Người mở đất” - ông Phan Trọng Choắt quê quán xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nay sinh sống tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Ông là một trong hơn 1300 thanh niên đầu tiên của Hưng Yên tham gia đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Sơn La.
Danh sách thanh niên xã Hồng Tiến tham gia khai hoang tại Tây Bắc, được ghi danh trong cuốn “Sổ vàng lịch sử huyện Khoái Châu”, tháng 12/1960 (Nguồn: Bảo tàng Sơn La | Lễ ra quân xây dựng vùng kinh tế mới huyện Khoái Châu, năm 1960 (Nguồn: Bảo tàng Hưng Yên) |
Ở tuổi 87, ông Phan Trọng Choắt còn minh mẫn, khỏe mạnh, vẫn nhớ như in về một thời say mê cống hiến xây dựng phát triển mảnh đất Sơn La. Năm 1960, ông 23 tuổi, là đoàn viên thanh niên của xã Hồng Tiến. Khi đó, ở xã, huyện ngày đêm tuyên truyền chủ chương của Đảng, vận động bà con miền xuôi lên miền núi khai hoang, phát triển kinh tế mới tại Tây Bắc, với tinh thần không ngại khó, ngại khổ ông đã viết đơn xung phong tham gia phong trào.
Ông nhớ những ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Sơn La “Vào một ngày đông lạnh giá của năm 1960, với khí thế hừng hực của thanh niên trẻ, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu, hơn 1300 đảng viên, thanh niên của Hưng Yên đã hành quân lên Tây Bắc như đoàn quân Tây Tiến năm xưa. Ngày đó, mỗi người được phát một chiếc balo, một đôi đũa, một đôi dép cao su và lên xe hướng về Tây Bắc. Bà con Hưng Yên, họ hàng thân thích đứng dọc đường 39 vẫy tay, vẫy cờ hoa đưa tiễn chúng tôi lên đường.
Cung đường lên Tây Bắc ngày đó thật khó khăn biết bao, đi hết quốc lộ 5, đi qua Hà Nội, Hà Đông, rồi ngược lên Tây Bắc, Hòa Bình, Chợ Bờ, Mộc Châu,… càng đi con đường càng hiểm trở, vách cao, vực sâu, ngoằn nghèo. Đường đi chỉ vừa hai bánh xe, đất bùn, nhõa nhoét, trơn trượt, hai bên đường là tà luy dựng đứng, vực sâu thăm thẳm, cây cối um tùm, rắn rết, vắt xanh, vắt đỏ,… ngồi trên xe tải xóc như xóc ốc, nhiều người bật khóc không cầm được nước mắt, nhiều người nôn thốc nôn tháo vì lần đầu đi ô tô say xe,… Lúc này xen lẫn là cảm giác sợ hãi, lo lắng vì lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất gọi là “nước Sơn La, ma Vạn Bú”. Cuối cùng, sau 3 ngày 3 đêm dài đằng đẵng, tôi và mọi người đã đặt chân đến mảnh đất Sơn La, nơi chúng ta ngồi ở đây hôm nay.
|
“…Hưng Yên Tây Bắc chung tình Xây quê hương mới chúng mình Sơn La Để cho con cháu hát ca Để cho cuộc sống vượt qua đói nghèo…”
|
Ông Phan Trọng Choắt, người tham gia phong trào
khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới tại Sơn La, tháng 4/2024
Theo biên chế, hợp tác xã Hoàng Văn Thụ được thành lập, có 06 đội sản xuất thủ công với nhiều ngành nghề như: nghề rèn, đội xưởng mộc, đội dệt may,… được bà con dân tộc Thái của các bản lân cận như Bản Mạt, Bản Sum, Bản Lo,… giúp đỡ dựng lều tranh vách nứa, làm lán trại, khai hoang mở đất để sản xuất trồng trọt. Những ngày đầu trên mảnh đất mới, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn, ăn uống kham khổ, cái đói triền miên, anh em phải chia nhau từng củ sắn, củ khoai, bệnh tật sốt rét, kiết lỵ,…. Thuốc thang khan hiếm lại thêm nỗi nhớ gia đình, nhớ nơi “chôn nhau, cắt rốn” nên nhiều người có ý định từ bỏ trở về quê. Tuy nhiên, lúc đó tôi và anh em lại nhớ đến lời căn dặn của Bác “…Công việc của các cô, các chú được Đảng, Chính Phủ giao lên Tây Bắc cùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng quê hương mới giàu đẹp, văn minh, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, làm cho Tây Bắc trở thành phên giậu của quốc gia xứng đáng với niềm tin của Đảng và Chính Phủ, do vậy các cô, các chú phải hết sức cố gắng,…” Với tinh thần quyết tiến, không lùi, đồng bào miền xuôi vẫn kiên trì, bám đất, từng bước khắc phục khó khăn, đề ra phương hướng phát triển, thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương thứ hai phát triển giàu đẹp.
Nói đến đây, giọng ông Choắt trầm lại: “Những người đi khai hoang cùng tôi năm đó, giờ người mất người còn. Tôi nhớ về họ, những người đã cùng tôi đặt nhát cuốc đầu tiên lên mảnh đất Sơn La. Tôi lên Sơn La với hai bàn tay trắng, mang theo hoài bão, lý tưởng, trách nhiệm của thanh niên đến nay đã 64 năm, những gì còn giữ lại là kỉ niệm, hồi ức và cây nhãn lồng cổ, chiếc hòm gỗ lát, cối đá năm xưa”.
Ngày xưa, đường đi lên Tây Bắc khó khăn, vất vả, điện thoại không có, thông tin liên lạc chưa phát triển, có khi mấy năm mới trở về quê. Mỗi lần nhớ nhà, ông thường ra vườn chăm sóc, ngắm nhìn cây nhãn lồng - đặc sản của Hưng Yên, mà khi xưa loại nhãn này chỉ dùng để dâng lên nhà Vua. Nói đến đây, ông nhìn về phía cây nhãn kể “trước lúc lên Sơn La lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, đã động viên anh em và tặng cho mỗi người 03 quả nhãn lồng, tôi để dành, lên Sơn La mới dám ăn. Với mong muốn lưu giữ lại chút hương vị quê hương trên mảnh đất mới, tôi đã đem hạt đi trồng, đến nay cây nhãn đã to lớn, hằng năm ra hoa, kết quả sai trữu. Mỗi khi đến mùa, tôi thường chia cho các con, cháu và hàng xóm một ít quả đặc sản của quê hương, rồi kể cho các con cháu nghe về câu chuyện cây nhãn, nhắc con cháu phải luôn nhớ về đến quê hương, tổ tiên của mình”.
Ông Phan Trọng Choắt và đoàn công tác Bảo tàng Sơn La chụp ảnh kỉ niệm bên cây nhãn lồng, tháng 4/2024
Hòm gỗ lát của ông Phan Trọng Choắt, tháng 4/2024
Nói đến đây, ông vào nhà lấy chiếc hòm gỗ lát cho chúng tôi xem. Năm 1961, tỉnh Hưng Yên có chủ chương vận động và tuyển các thợ thủ công lên Sơn La phát triển sản xuất. Ông Choắt được cử làm quản lý đội sản xuất xưởng mộc, khi đó, ông đã tự tay chọn gỗ lát, đóng hòm để đựng giấy tờ, quần áo của gia đình. Từ đó đến nay chiếc hòm gỗ vẫn được ông sử dụng, giữ gìn cẩn thận. Rất may mắn cho chúng tôi khi được ông hiến tặng chiếc hòm gỗ lát, cối đá cho Bảo tàng Sơn La để phục vụ công tác trưng bày, qua đó giới thiệu đến với công chúng về sự hy sinh thầm lặng của của những người con miền xuôi lên miền núi, để góp phần xây dựng và phát triển Sơn La.
Chỉ thị về việc vận động thợ thủ công phục vụ việc khai hoang xây dựng cơ sở sản xuất mới
ở Tây Bắc, Hưng Yên, năm 1961 (Nguồn: Trung tâm lưu trữ tỉnh Hưng Yên)
Bao nhiêu khó khăn, gian nan là vậy, nhưng ông Choắt và anh em miền xuôi vẫn một lòng tin tưởng vào chủ chương của Đảng, giương cao ngọn cờ quyết tâm. Đã 64 năm trôi qua, diện mạo của Sơn La nay đã khác, đất hoang đã thành vườn, thành thôn, thành xã, thành phố với những ngôi nhà cao tầng, con đường trải nhựa, vườn cây ăn quả rộng lớn,… đời sống người dân ổn định, ấm no, hạnh phúc. Người dân Sơn La vẫn luôn thầm cảm ơn Đảng, cán bộ, đảng viên, thanh niên miền xuôi đã đoàn kết, giúp đỡ nhân dân miền núi phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục,… sớm đưa Sơn La trở thành trung tâm phát triển kinh tế của tiểu vùng Tây Bắc.
Kết thúc buổi gặp gỡ, chúng tôi ra về mà lòng phấn khởi, khi gặp được “Người mở đất” trên vùng Tây Bắc, người đã góp công, góp sức xây dựng Sơn La. Những câu chuyện kể, những hiện vật ông Choắt hiến tặng là những chất liệu quý giá để xây dựng lên bức tranh toàn cảnh cho trưng bày chuyên đề “Di dân khai hoang xây dựng vùng kinh mới” tại Bảo tàng Sơn La.
Đồng chí Nguyễn An Đại - Phó Giám đốc Bảo tàng Sơn La
trao giấy chứng nhận hiến tặng hiện vật cho ông Phan Trọng Choắt, tháng 5/2024
Người viết
Lê Thị Liên - Bảo tàng tỉnh Sơn La