BẢO TÀNG TỈNH SƠN LA TỔ CHỨC SINH HOẠT CHÍNH TRỊ DƯỚI NGHI THỨC CHÀO CỜ THÁNG 8/2024
Ngày 05/8/2024, Bảo tàng tỉnh Sơn La tổ chức sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ tháng 8 thông tin chuyên đề “KỶ NIỆM 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8 THÀNH CÔNG VÀ QUỐC KHÁNH 2/9”.
Đồng chí Lê Thị Liên – Bí thư Chi đoàn Bảo tàng tỉnh trình bày nội dung chuyên đề
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, dưới ách đô độ của thực dân, phong kiến nhân dân ta bị bóc lột đến tận xương tủy, các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nông dân nổ ra trên khắp cả nước. Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh diễn ra tự phát và đều thất bại vì chưa có đường lối lãnh đạo đúng đắn. Trước thực tế đó, ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo Nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân, đế quốc, giành độc lập cho dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cao trào cách mạng diễn ra trên khắp cả nước với khí thế sôi nổi.
Từ năm 1940, Phát xít Nhật nhảy vào chiếm đóng Đông Dương nhằm cô lập Trung Quốc khỏi sự viện trợ của Mỹ và càng làm gia tăng sự căng thẳng với thực dân Pháp ở Việt Nam. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp nhằm hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương. Trung ương Đảng xác định "thời cơ ngàn năm có một" để giành độc lập. Bác chủ trì hai hội nghị lớn: Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Tổng bộ Việt Minh nhanh chóng quyết định phát lệnh động tổng khởi nghĩa trong cả nước. Cách mạng Tháng Tám diễn ra như vũ bão khắp từ Bắc vào Nam, chỉ trong 10 ngày nhân dân ta đã đập tan xiềng xích của thực dân, phong kiến. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Toàn thể viên chức, người lao động Bảo tàng tỉnh xem video tư liệu
Hòa chung cùng khí thế cách mạng trên cả nước, phong trào đấu tranh cách mạng ở Sơn La trong gia đoạn này diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ. Tháng 12/1939, Chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nhà tù Sơn La, phong trào cách mạng ở Sơn La phát triển nhanh chóng. Năm 1943, Chi bộ nhà tù Sơn La giác ngộ và thành lập được cơ sở cách mạng đầu tiên trong quần chúng ở tỉnh lỵ. Từ đó, phát triển rộng rãi các tổ chức yêu nước khắp các châu huyện. Đầu năm 1945, đã có trên 60 cơ sở cách mạng trên toàn tỉnh. Tại khu căn cứ cách mạng Mường Chanh, cả 8 bản đều có cơ sở cách mạng. Các tổ thanh niên cứu quốc, đội du kích được thành lập, chuẩn bị mọi điều kiện để khi thời cơ đến, sẽ phát động tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh.
Chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 19/8/1945, khởi đầu từ căn cứ Mường Chanh, khởi nghĩa giành chính quyền đã liên tiếp thắng lợi ở các châu Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu. Trước đó, tại Châu Phù Yên, ngày 23/7/1945, khởi nghĩa ở châu Phù Yên toàn thắng, là châu đầu tiên trong tỉnh Sơn La giành được chính quyền. Tại Châu Mộc Châu và Quỳnh Nhai đến đầu tháng 9 và tháng 10 năm 1945 cũng được giải phóng. Ở tỉnh lỵ Sơn La, trước áp lực mạnh mẽ của cách mạng, ngày 25/8/1945, địch chấp nhận đầu hàng, nộp vũ khí. Ngày 26/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trên đồi Khau Cả, hàng ngàn quần chúng nhân dân kéo đến dự và tỏ rõ thái độ ủng hộ Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng. Ủy ban cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào, tuyên bố khởi nghĩa ở Sơn La hoàn toàn thắng lợi.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Buổi sinh hoạt đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho đảng viên, viên chức và người lao động trong toàn đơn vị. Đồng thời tưởng nhớ và tri ân các thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Dương Thế Sơn